Vốn FDI tháng 1/2019: Tăng có mừng?

17:02 | 28/01/2019

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thông tin về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 1/2019 với vốn đăng ký và giải ngân tăng khả quan. Tuy nhiên, sau các con số này còn một vài điểm cần lưu ý.

TIN LIÊN QUAN
Thu hút FDI: Không còn ham số lượng
8,3 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào khu công nghiệp năm 2018
Tăng tốc với FDI nhưng sức bền phải dựa vào nội lực
FDI 2018: Dòng vốn chuyển động mạnh và một số lưu ý
von fdi thang 12019 tang co mung

Nguồn tin trên cho biết, chỉ tính đến 20/1/2019, trên địa bàn cả nước các dự án FDI đã giải ngân đạt 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng giải ngân này là khá cao, nhưng vẫn không so được với tốc độ tăng 10,5% của tháng 1/2018 so với cùng kỳ, hay 23,1% của tháng 1/2017 so với cùng kỳ, cũng từ số liệu công bố trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ở điểm này có thể lý giải rằng, nhiều đối tác đầu tư của Việt Nam có thời điểm kết thúc năm tài chính kéo dài đến hết tháng 3, vì vậy việc giải ngân các dự án trong giai đoạn cuối năm tài chính này thường đẩy nhanh hơn so với các tháng trước đó.

Tuy nhiên, việc tốc độ tăng giải ngân FDI chậm hơn so với các tháng cùng kỳ những năm trước, xét ở trường hợp tháng 1/2019, có lẽ cũng là điều cần chú ý đầu tiên trong dữ liệu FDI tháng đầu năm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tương tự, trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng này là rất đáng chú ý, vì trước đây trong một số năm, những tháng trước Tết Nguyên đán thường có lượng vốn đăng ký đạt rất thấp, do một số địa phương có tâm lý muốn để việc cấp phép dự án FDI sang năm mới âm lịch (tổng vốn đăng ký cấp mới là 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018).

Nhưng, nhìn sâu vào con số có thể thấy thêm những điều “lạ” khác. Cụ thể là tính đến ngày 20/12019, cả nước có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ.

Năm 2018 vừa qua, các con số về đăng ký doanh nghiệp cho thấy một lượng lớn công ty giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Việc lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao cho thấy một sự “lấn lướt” của khối ngoại so với khu vực kinh tế trong nước, và nó đang ngày càng trở nên đáng lưu tâm hơn.

Đăng ký doanh nghiệp 2018: Tăng trưởng cao mà sao vẫn khó

Một điểm đáng chú ý khác, hoạt động sản xuất trong tháng đầu năm có xu hướng “co rút”. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô chỉ đạt 13,58 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2018; không kể dầu thô thì đạt 13,4 tỷ USD, bằng tương ứng 95%. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này đạt 11,75 tỷ USD, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2018.

“Trong tháng 1, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI giảm so với cùng kỳ, song tính chung, khu vực này vẫn xuất siêu 1,83 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 1,65 tỷ USD không kể dầu thô”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Với việc cán cân thương mại hàng hóa có xu hướng nhập siêu trở lại, theo công bố của Tổng cục Hải Quan thì trong nửa đầu năm nay con số là khoảng 1 tỷ USD, thì đóng góp của khu vực FDI như trên là tích cực, có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá và hỗ trợ cán cân thanh toán duy trì trạng thái tốt.

Nhập siêu quay lại và những nỗi lo

Nhưng đáng lưu ý là lĩnh vực bất động sản có sự điều chỉnh về lượng vốn FDI đổ vào trong tháng đầu năm nay.

Cụ thể, tháng 1/2019, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ hai (năm 2018 đứng thứ tư) với tổng vốn đầu tư 185,8 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hoạt động kinh doanh bất động sản lùi xuống thứ ba sau khi chiếm vị trí thứ hai trong năm 2018, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 179,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Với kết quả trên, luỹ kế tới tháng 1/2019, cả nước có 27.643 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Dự án Công ty TNHH Kyoshin Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngày 17/1/2019 để chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại TP.HCM từ năm 1995 với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện; khuôn mẫu.

- Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 18/1/2019, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD do Katolec Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam.

- Dự án nhà máy Sews-Components Việt Nam II, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 11/1/2019 với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hưng yên với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô; sản xuất trụ nối dây điện cho ô tô và mô tô.

- Dự án nhà máy sản xuất hoá chất dệt nhuộm Huanyu, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 2/1/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất chất dệt nhuộm.

- Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 11/1/2019 do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư với mục tiêu xử lý, tiêu thủy rác thải tại Thừa Thiên Huế.

Anh Quân

Tin đọc nhiều