Hàng Việt Nam đang bị ép trong siêu thị ngoại?
Số là tối 2/7/2019 gần 200 nhà cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C bất ngờ nhận được thư thông báo ngừng đặt hàng. Thông báo này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ hàng trăm DN là nhà cung ứng và người lao động, dấy lên nỗi lo ngại đây là tiền lệ hàng Việt Nam mất chủ quyền trong siêu thị ngoại, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Trong thư gửi tới các nhà cung cấp hàng may mặc, Central Group Việt Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thông báo: “Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019… Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại giữa hai bên”.
Các nhà cung ứng và dư luận đã rất phản ứng về thông báo quá đột ngột, thiếu thiện chí này có thể gây thiệt hại lớn cho họ. Trước hết nguyên liệu, vật liệu đã mua để sản xuất hàng cho Big C dồn ứ, rồi công nhân đột ngột giảm việc làm… Đáng lo ngại hơn, việc ngừng nhập hàng may mặc nội địa của Big C lần này có phải là một hiện tượng cảnh báo hàng nội địa “mất chủ quyền” trong siêu thị ngoại, dành chỗ cho hàng ngoại, mà có thể là hàng Thái Lan.
Mặc dù cho rằng, đã là một DN thì lợi nhuận luôn là mục đích hàng đầu, cung cấp hàng chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng là mục tiêu, nhưng theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Xét về đạo đức kinh doanh, họ kinh doanh trên đất Việt Nam mà làm như vậy là không thể chấp nhận được.
“Họ - Big C và các nhà bán lẻ nước ngoài đã được chúng ta quá ưu ái, trải chiếu hoa… Ở khía cạnh tích cực, họ đã góp phần kích thích DN sản xuất tại Việt Nam phát triển, tăng dịch vụ phục vụ người dân. Nhưng mặt trái cũng không ít vấn đề”, ông Phú nói. Theo phản ánh của DN, để đưa được hàng vào Big C, hàng nội địa đưa vào Big C phải chiết khấu “cứng”, chiết khấu “mềm” rất cao, lên 20-30%. Thậm chí Big C đã bài trừ những nhà sản xuất, cung cấp nhãn hàng riêng như Thế giới Di động…
Các DN và một số chuyên gia lưu ý rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên lưu ý đến hiện tượng tạm dừng nhập hàng của Big C, hiện tượng này có tạo ra tiền lệ khiến cho hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập, các sản phẩm may mặc nói riêng hàng Việt Nam nói chung có thể dần mất chủ quyền trong siêu thị ngoại, đẩy các DN Việt vào thế đối đầu, bất cân xứng. Gần đây đã có hiện tượng cho thấy hàng của Việt Nam đang bị ép ở các siêu thị ngoại. Để đưa miến Việt Nam sản xuất vào Lotte thì phải nộp mấy chục triệu chi phí trước và tỷ lệ chiết khấu rất cao. Nhưng miến nhập khẩu không phải chịu các chi phí này.
Kiên quyết bảo vệ DN Việt, người tiêu dùng Việt
Trước phản ứng của dư luận và các nhà cung ứng, Central Group Việt Nam đã có thông báo giải thích: “Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời. Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”. Thông báo khẳng định “tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển”. Với sứ mệnh làm cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn, Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ, hiện thực hóa kế hoạch Big C đang xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp, trong đó đang xem xét 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất.
“Dù Big C giải thích lý do nào đi nữa thì việc trở mặt rất nhanh chóng như thế gây đảo lộn đối với các DN với nhiều công nhân. Đó là sự làm ăn không tử tế”, ông Phú nói.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam cần phải bổ sung, sửa đổi để bảo vệ hàng Việt Nam, DN Việt Nam. Chính sách cũng phải bình đẳng hơn với hàng Việt Nam và DN nội địa. Trước hết là Luật Cạnh tranh đang rất hở. Luật đang rất chung chung khi có câu “Nhà bán lẻ không được từ chối những nhà cung ứng gửi hàng khi không có lý do chính đáng nhưng lại không chỉ rõ thế nào là lý do chính đáng”. Đây là kẽ hở cho các siêu thị, các nhà bán lẻ nước ngoài ép nhà cung ứng.
Tại buổi họp thường kỳ quý II/2019 của Bộ Công thương diễn ra chiều 4/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng 4/7/2019, Bộ Công thương đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Tập đoàn Central Việt Nam về vấn đề này. Tại cuộc họp, Big C cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng trở lại cho 50 nhà cung cấp. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam và khoảng 100 nhà cung cấp nữa sẽ được mở đơn hàng. Còn lại 50 nhà cung cấp còn lại sẽ làm kỹ hơn vì những nhà cung cấp này chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký.
Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công thương đã yêu cầu, việc giải quyết giữa Big C với 200 nhà cung cấp mặt hàng may mặc trên cơ sở hợp đồng đã ký và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam, như liên quan đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh... “Quan điểm của chúng tôi là một mặt hoan nghênh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể ở đây là Big C, nhưng một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các DN Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, tại buổi làm việc vào sáng 4/7, Central Group cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã ký biên bản hợp tác, để nếu sau này có các vấn đề tương tự thì hiệp hội sẽ đứng ra giải quyết. Cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công thương là người hỗ trợ, tạo ra môi trường pháp lý kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Lương Linh