Xăng, điện tăng giá, sản xuất giảm nhiệt

09:03 | 08/05/2015

Đại diện một DN sản xuất lớn tại Hà Nội chia sẻ, lúc chuẩn bị kết thúc quý II thì DN đã phải chuẩn bị kế hoạch cho cả năm với những hợp đồng sản xuất ký từ đầu năm. “Đùng một cái” điện tăng giá, rồi đến xăng cũng thế, kéo theo mọi chi phí đều nhích lên thì chúng tôi chẳng còn cách gì để tránh, lỗ đã là “cầm chắc” bởi mình đâu có thể phá vỡ được hợp đồng giữa chừng!”.

DN gồng mình duy trì giá sản phẩm

Ông Văn Đức Mười, TỔng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – VISSAN

Hiện nay, sức mua hàng hóa nói chung và hàng thực phẩm nói riêng trên thị trường đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, chưa tăng ở mức khả quan như mong đợi. Vì vậy, hầu hết DN sản xuất đều giữ mức giá bán hàng hóa ổn định, không thể điều chỉnh tăng hơn để duy trì kích cầu tiêu dùng. Giá điện chiếm tỷ lệ nhỏ trong chi phí sản xuất của công ty, hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành.

Nhưng chi phí sản xuất, ngoài giá điện, còn có các phí “đầu vào” như phí vận chuyển, phí vận hành chuỗi cung ứng từ khâu trang trại nuôi giữ (trâu, bò, heo…), đến đóng gói thành phẩm tung ra thị trường…

Tất cả cùng chịu ảnh hưởng của giá điện, hiện nay chỉ mới tăng giá điện gần một tháng, tất cả còn giữ nguyên, nhưng thời gian tới chắc chắn giá nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng theo giá điện. Lúc đó, DN sẽ có phương án mới để cân đối, kể cả phải gồng mình để giữ nguyên giá bán hàng hóa chứ không thể bán chậm mà còn tăng giá.

xang dien tang gia san xuat giam nhiet
Nhiều DN vay vốn đầu tư vào máy móc thiết bị sản xuất, nhưng vẫn không thu hồi được vốn

Sớm muộn cũng phải nâng giá thành

Ông Trần Xuân Tùng, Phó Tổng giám đốc CTCP đầu tư Hồng Hoàng Hồng

Đối với DN trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng như Hồng Hoàng Hồng, thì phải luôn “đau đầu” trong việc giải bài toán hạ giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Chúng tôi vừa cảm thấy đỡ áp lực hơn khi thị trường bất động sản ở miền Trung, đặc biệt tại TP. Đà Nẵng có dấu hiệu khởi sắc, thì nay lại cảm thấy hụt hẫng khi giá điện “nhảy múa”.

Hiện, 100% các dây chuyền sản xuất của công ty đều phải sử dụng điện năng. Nếu muốn tiết kiệm điện, buộc DN phải thay đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, để giảm tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên điều này không dễ và cũng rất phi lý! Không lẽ, sản xuất kinh doanh mà cứ phải chạy theo giá điện trên thị trường. Thêm một điều băn khoăn nữa là liệu giá điện tăng, có đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ hay không, đặc biệt là sự ổn định điện áp rồi hạn chế mất điện đột xuất…?

Là một thương hiệu mới trên thị trường, tuy giá thành đầu vào đã tăng, nhưng trước mắt DN sẽ có những giải pháp ứng phó nhằm không tăng giá sản phẩm đầu ra ngay lập tức, tránh tạo cú sốc cho khách hàng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp cầm cự một thời gian ngắn, việc nâng giá thành sản phẩm trên thị trường sớm hay muộn gì cũng phải xảy ra… Có thể nói, tăng giá điện thực sự là bài toán khó cho DN.

DN dừng sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Thiên Kim

Việc giá điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng với giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh đã làm tăng rõ rệt chi phí đầu vào của các DN sản xuất, đặc biệt trong ngành thép. Có thể nói, đợt tăng giá điện lần này không còn là nguy cơ lớn đối với ngành sản xuất thép trong nước, mà trực tiếp đẩy nhiều DN vào “đường cùng”.

Thông thường, nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang để sản xuất ra 1 tấn phôi thép tốn 400-500 KWh điện, và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng công nghệ cảm ứng. Như vậy, việc giá điện tăng ở mức 7,5%, giá thành một tấn thép sẽ tăng thêm khoảng 100 nghìn đồng.…

Không kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả những lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ “chết” với giá điện hiện nay trong bối cảnh giá thép trên thị trường trong nước vẫn đang giảm liên tục.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá thép trên thị trường trong nước giảm trên dưới 1 triệu đồng/tấn. DN sản xuất thép trong nước đang bị sức ép cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc, gần đây xuất hiện thêm “gã khổng lồ” trong ngành thép là Liên bang Nga. Với nhiều nguyên nhân, đặc biệt với việc tăng giá điện như “cú nốc ao” đã đẩy thương hiệu thép Thiên Kim đến chỗ không thể cầm cự nổi.

Càng sản xuất, càng thua lỗ nên mới đây lãnh đạo DN đã quyết định dừng sản xuất, gần 70 công nhân của nhà máy thép rơi vào cảnh thất nghiệp. Hiện, công ty đã lên kế hoạch cho đối tác nước ngoài thuê lại nhà xưởng, với yêu cầu đầu tiên là phải bố trí lại việc làm cho số công nhân vừa rơi vào cảnh mất việc làm...

Tăng giá theo lộ trình sẽ bớt khó cho DN

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn

Công ty Nam Thái Sơn là DN chuyên sản xuất, xuất khẩu bao bì nhựa, xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hóa chất ngành nhựa (hạt nhựa, màng nhựa, dung môi...), hóa chất xử lý nước, hóa chất cơ bản, nông lâm thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ…

Với mục tiêu trở thành một tập đoàn sản xuất và xuất khẩu bao bì nhựa hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới, nên quy mô sản xuất của công ty hiện nay khá lớn, hàng tháng chi phí tiền điện của công ty từ 2,5 – 3 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% trên tổng giá thành sản phẩm.

Hiện giá điện tăng 7,5% thì tiền điện cũng tăng tương ứng khoảng 200 triệu đồng/tháng. Điều khó khăn nhất là công ty đang gồng mình gánh khoản tăng thêm này. Đối với sản xuất hàng xuất khẩu, công ty rất khó khăn vì đang thực hiện các đơn hàng từ 6 tháng đến 1 năm, giá bán là không thể thay đổi.

Ở thị trường trong nước, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giá bán sản phẩm, tuy nhiên, mức điều chỉnh này cũng phải cân nhắc sao cho hết sức hợp lý, không thể nói tăng là tăng, vì sức tiêu thụ của thị trường nội hiện nay vẫn còn yếu, những nhà bán lẻ, hộ bán lẻ sẽ ưu tiên chọn hàng hóa có giá thấp hơn, cạnh tranh hơn. Nếu cân nhắc lợi thế, thì việc tăng giá điện theo lộ trình sẽ giảm bớt áp lực cho DN sản xuất trong nước hơn.

Nhóm PV

Tin đọc nhiều