Xây dựng chuyển hóa giai đoạn?

12:00 | 24/12/2018

Ngành xây dựng đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn giảm tốc trong vòng đời phát triển của mình, năm 2018 là một năm mang đến nhiều thách thức cho ngành này, đặc biệt là đối với các công ty hoạt động trong phân khúc xây dựng nhà ở và thương mại.

Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng ngành xây dựng đang chững lại và các DN loay hoay tìm lời giải cho bài toán “chi phí – lợi nhuận”. Thêm nữa, ngành xây dựng trở nên “chật chội” với nhiều đối thủ cạnh tranh trong ngành khốc liệt, sức ép giá đến từ chủ đầu tư dự án và môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ buộc các DN muốn làm ăn tốt phải chuyển hướng. Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán RongViet dự báo đóng góp vào GDP sẽ giảm xuống còn 6,2% vào năm 2019.

xay dung chuyen hoa giai doan
Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận rằng trong quá khứ tốc độ tăng trưởng xây dựng luôn vượt cao so với tốc độ tăng trưởng GDP, tuy nhiên những năm gần đây khoảng cách giữa hai đường xu hướng tăng trưởng đang thu hẹp lại.

Đơn cử số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017 giá trị ngành xây dựng tăng tỷ lệ thuận với GDP và đóng góp của ngành xây dựng vào giá trị GDP đạt đỉnh ở 6,3% trong năm 2017. Nguyên do, giai đoạn này ngành xây dựng có tăng trưởng tốt một phần quan trọng do được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Mặt khác, giới phân tích cho rằng mới sau hai năm tăng, sẽ có một thời gian năm giảm mạnh, điển hình từ năm 2005 đến 2012 suy giảm này trùng hợp với giai đoạn mà thị trường bất động sản khó khăn (2008-2009).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh giá trị tích cực thì cũng có khá nhiều số liệu cho thấy xây dựng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm dần. Sự suy giảm chung của ngành cũng được thể hiện khá rõ nét trong kết quả kinh doanh của các DNNY. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết đạt 8 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 24,1% so với cùng kỳ 2017. Với số liệu này thì quý III/2018 là giai đoạn mà ngành ghi nhận doanh thu quý III thấp nhất trong vòng 3 năm gần nhất. Có thể nói rằng, kết quả của ba quý đầu năm 2018 cho thấy sẽ khó có thể có một sự bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn cuối năm 2018…

Thừa nhận sự suy giảm của các DN ngành xây dựng, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng trong số 19 ngành trên thị trường thì xây dựng và vật liệu ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm khá nặng nề tính đến thời điểm này. Nghiên cứu cho thấy nhiều công ty xây dựng đang gặp khó khăn trong việc tìm lời giải cho bài toán quản lý chi phí nguyên liệu đầu vào; cũng như giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến cấp phép xây dựng tại các thành phố lớn. Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành khiến những công ty lớn dần lấn sân sang các mảng xây dựng khác để giữ vững thị phần và vị thế của mình. Điều này buộc các công ty tìm tới các dự án xây dựng có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn để đảm bảo được dòng chảy về doanh thu, ví dụ như phân khúc xây dựng KCN.

Năng suất của ngành xây dựng được tính bằng giá trị toàn ngành chia cho số lượng nhân viên làm việc trong ngành thì tỷ lệ này đang giảm. Sự gia tăng số lượng công nhân, kết hợp với sự tăng trưởng thấp hơn trong giá trị của ngành, đã kéo tốc độ tăng trưởng trong năng suất ngành đi xuống. Hơn nữa, ngành xây dựng cũng bị phân mảnh cao do tính chất hoạt động và cơ sở khách hàng. Trong biến động trong doanh thu của ngành không đáng kể cũng là một điểm sáng hiếm hoi cụ thể trong số 450 công ty xây dựng đã cổ phần hóa thì sự biến động trong doanh thu trong ba năm qua là dưới 20%. Điều đó ngụ ý rằng để phát triển, các công ty có thể phải thực hiện mua bán và sáp nhập để tăng thị phần.

Trần Anh Minh

Tin đọc nhiều