Xây dựng văn hóa DN Việt Nam: Nhân tố quyết định thành - bại

09:07 | 13/05/2015

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã hội hướng nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 là phát triển văn hoá DN, văn hoá kinh doanh, khuyến khích khởi sự DN. 

xay dung van hoa dn viet nam nhan to quyet dinh thanh bai
Ảnh minh họa

Dẫn lời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, một nền kinh tế phát triển bền vững phải dựa trên hoạt động kinh doanh có văn hoá. Mọi nhà kinh doanh, từ người chủ kinh tế hộ đến các nhà quản lý DN thuộc nhiều tầng lớp phải xây dựng văn hoá kinh doanh.

“Bộ Chính trị đã có hẳn một nghị quyết (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh chúng ta cần đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, bảo đảm DN phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Thế nhưng, hiện hầu hết DN Việt Nam vẫn đang loay hoay với vấn đề này. Trên thực tế, văn hoá DN ở Việt Nam dường như vẫn còn là một chuyện rất mơ hồ và chưa có định nghĩa chính thức. Tuy nhiên, theo Ths. Trần Đức Dũng (Đại học Kinh tế Quốc dân), trên thế giới khái niệm văn hoá DN đã có từ hàng chục năm nay.

Theo đó, văn hoá DN là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần, các chuẩn mực, các quan niệm, niềm tin, hành vi, thói quen của DN… chi phối mọi hoạt động của các thành viên trong DN, tạo nên bản sắc riêng biệt của DN đó, giúp ta phân biệt giữa DN này với DN khác.

Chính vì thế, ông Dũng cho rằng, văn hoá DN là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại trong quản lý, giúp cho mỗi DN có thể đứng vững và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, nhưng cũng có thể làm DN thu nhỏ hoạt động hoặc tồn tại nhưng không có khả năng cạnh tranh cao.

Từ căn cứ như vậy nên khi nhìn vào thực trạng văn hoá DN Việt Nam, ông Dũng cho biết, tác phong làm việc của các tầng lớp lãnh đạo và cả nhân viên vẫn còn rất chậm chạp, không quý trọng hiệu quả và thời gian làm việc, đặc biệt ở các cơ quan Nhà nước.

Cùng với đó là không khí, môi trường làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa tuân thủ quy định an toàn lao động, tinh thần, trách nhiệm thực thi nội quy DN còn hạn chế. Việc thiếu ý thức giữ và tôn trọng lời hứa, không đúng giờ, đúng thời gian quy định khiến một số đối tác nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

Ngoài ra là thiếu thái độ tôn trọng, niềm nở, lịch sự và chuyên nghiệp trong giao tiếp. Trong việc đánh giá năng lực nhân viên, vẫn rất nhiều nơi làm chưa tốt, hoặc có nhiều lúng túng, việc đánh giá đôi khi cảm tính, thiên vị không công bằng, khiến cho cấp dưới chán nản, quan hệ đồng nghiệp vì thế xấu đi, dẫn đến mâu thuẫn, không khí làm việc nặng nề, bị động, làm việc kém hiệu quả, uy tín với lãnh đạo bị giảm sút, không tạo động lực làm việc…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngày nay DN Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Bởi quá trình toàn cầu hoá kinh tế, một thế giới phẳng đòi hỏi việc xây dựng văn hoá DN phải có những bước tính khôn ngoan, lựa chọn sáng suốt.

“Chúng ta đã và đang tham gia vào nhiều tổ chức kinh tế thế giới, các tập đoàn kinh tế lớn cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam học hỏi. Thế nhưng với các công ty nước ngoài thường có tiềm lực tài chính, nhân sự, công nghệ mạnh, tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động là rất cao, có chế độ và môi trường làm việc tốt, khả năng cạnh tranh và trách nhiệm xã hội rất lớn…

Nên nếu không có chính sách ưu đãi và sử dụng tốt về nhân lực, DN và cơ quan Nhà nước Việt Nam sẽ mất đi nhân tài, khi đó khả năng cạnh tranh sẽ yếu đi và sự tụt hậu là khó tránh khỏi.

Để nâng cao tinh thần xây dựng văn hoá DN Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cần nâng cao nhận thức cơ bản liên quan đến văn hoá DN và hiểu rõ vai trò ảnh hưởng của văn hoá DN đối với sự phát triển bền vững, với khả năng cạnh tranh của DN. Đặc biệt, các lãnh đạo của DN phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc xây dựng, thực hiện các nguyên tắc nhằm xây dựng văn hoá DN.

Quan trọng nữa là, DN cần không ngừng xây dựng môi trường làm việc dân chủ, phát huy tinh thần làm chủ, tôn trọng sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp lao động.

Trần Hương

Tin đọc nhiều