Xu hướng chế biến nông sản chuyên sâu

10:00 | 24/12/2018

Doanh nghiệp nên dựa vào thói quen và tiện lợi trong khi sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng để xây dựng sản phẩm.

Khi cà phê hướng tới chế biến sâu
Đẩy mạnh công nghệ để phát triển công nghiệp chế biến

Phát triển chưa bền vững

Việc giảm bớt xuất khẩu thô, nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông sản qua chế biến sâu đã được ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện. Trong đó, một số lĩnh vực như sản xuất hạt điều hay cà phê đang thể hiện rõ nét sự quyết tâm này. Nhưng, để làm được điều này cũng thật khó khăn đối với nhiều DN.

xu huong che bien nong san chuyen sau
Đa dạng hóa các sản phẩm giúp ngành cà phê phát triển bền vững

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam hiện có khoảng 645 nghìn ha cà phê, đứng thứ 2 thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê, khi chiếm 15% sản lượng cà phê của toàn thế giới. Khu vực Tây Nguyên đang là trọng điểm trồng cây cà phê của cả nước, với diện tích lên đến khoảng 577 nghìn ha. Cụ thể, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê cao nhất cả nước, tiếp theo là Lâm Đồng và Đắk Nông.

Như đã nói ở trên, Việt Nam đang là một trong những cường quốc về xuất khẩu cà phê của thế giới. Sản lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2017 - 2018 khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 15% so với niên vụ 2016 - 2017), đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói trong đó chủ yếu là cà phê thô. Số sản phảm đã được chế biến rang, xay và hòa tan chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo ông Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cà phê đang là cây trồng chủ lực của địa phương. Năm 2018, toàn tỉnh có trên 132 nghìn ha cà phê, sản lượng ước đạt hơn 309 nghìn tấn, đứng thứ 3 toàn quốc. Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong đó, việc sản xuất theo hướng phân tán, nhỏ lẻ. Sản xuất theo chuỗi còn gặp khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ chế biến sâu còn khiêm tốn, sản phẩm chủ yếu là xuất thô nên mang lại giá trị thấp.

Trên thực tế, bên cạnh việc tỷ lệ sản phẩm được chế biến sâu còn thấp, ngành cà phê Việt Nam còn phải đối diện với nhiều khó khăn. Hiện, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn, thâm canh chưa bền vững, điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế; Ngoài ra, việc liên kết giữa DN và người nông dân còn lỏng lẻo, khiến giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa chưa cao...

Theo đại diện Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), Việt Nam đang là một trong những thành viên tiên phong của ICO và cộng đồng cà phê thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên và củng cố vị thế của mình, khi sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam cũng bộc lộ nhiều thách thức, giá trị gia tăng cho các bên tham gia chưa nhiều.

Chú trọng chế biến sâu

Được biết, ngành cà phê trong nước đang thực hiện đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sâu chiếm tối thiểu 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, tăng đáng kể so với mức khiêm tốn 10% như hiện nay, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 - 6 tỷ USD...

Như vậy, trước những khó khăn về xuất khẩu cà phê do áp lực thị trường thế giới, chủ trương giảm tỷ lệ xuất khẩu thô, tăng tỷ lệ cà phê chế biến sâu đã được vạch ra. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương này đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các DN, bên cạnh đó là những hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, những năm gần đây việc chế biến chuyên sâu các sản phẩm cà phê đã được nhiều địa phương khuyến khích thực hiện. Một số DN, tập đoàn lớn như, Vinacafe, Trung Nguyên, Mê Trang hay An Thái… đã và đang tập trung triển khai các dự án sản xuất cà phê hòa tan hướng đến xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến sâu. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm “cà phê 2 trong 1”, “cà phê 3 trong 1”…

Ngoài ra, các DN cũng đã đa dạng hóa sản phẩm như sản phẩm cà phê viên nén, cà phê túi lọc… Hiện, cà phê hòa tan vẫn chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, sản lượng dành cho xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Đắk Lắk - một trong những địa phương hiện đang có nhiều DN tiên phong trong việc chế biến chuyên sâu các sản phẩm cà phê. Trong đó, DN chủ yếu dựa vào thói quen và tiện lợi trong khi sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng để xây dựng các sản phẩm. Đơn cử như mặt hàng cà phê phin giấy của Tập đoàn An Thái.

Theo đó, chỉ cần vài thao thác là các “thượng đế” có ngay một ly cà phê, phù hợp với môi trường công sở hoặc đi du lịch. Hiện, sản phẩm này đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nguyên liệu làm ra phin giấy được nhập từ Nhật Bản và sử dụng các sản phẩm cà phê ở ngay địa phương và được chế biến rang, xay ngay tại chỗ.

Bên cạnh xuất khẩu, việc sử dụng các sản phẩm cà phê đã được chế biến chuyên sâu ngay từ thị trường trong nước, theo nhiều chuyên gia cũng là phương án giảm áp lực cho xuất khẩu, chạy theo thị trường như hiện nay.

Tuy nhiên, đây cũng là một định hướng thực hiện lâu dài, bởi việc chế biến các sản phẩm cà phê đã được các tập đoàn lớn trên thế giới thực hiện từ rất lâu. Trong một thời gian ngắn, các DN trong nước khó có thể đuổi kịp hoặc cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ tên tuổi trên thế giới...

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có những kế hoạch dài hơi, hỗ trợ mạnh mẽ cho DN trong nước có thể đầu tư, phát triển các dự án chế biến cà phê chuyên sâu. Về phía DN tham gia chế biến cà phê chuyên sâu, cũng phải lưu ý khi lựa chọn quy mô đầu tư, lựa chọn công nghệ, lựa chọn được những sản phẩm mũi nhọn, đặc biệt là phải nghiên cứu kỹ thị trường thì mới mong có sự thành công.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều