Xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

18:15 | 23/09/2017

Chủ tịch HĐTV, HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn rà soát, xem xét trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo các dự án, nhà máy trong việc chấp hành chỉ đạo chung của Chính phủ; trường hợp những người này thực hiện không nghiêm, đề nghị căn cứ theo thẩm quyền xem xét trách nhiệm của lãnh đạo đó và có phương án thay thế, kiện toàn nhân sự.

Chiều 22/9, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp bàn việc khẩn trương thực hiện xử lý các dự án các dự án, doanh nghiệp (DA-DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương theo tinh thần mà Chính phủ đã chỉ đạo.

Theo báo cáo tình hình 12 dự án này của ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp, có những dự án đã có lãi trở lại, nhiều dự án đã đưa vào hoạt động thương mại, có dự án đã có đối tác cùng tham gia vận hành trở lại, nhưng cũng có dự án đấu giá đến 2 lần vẫn không thành và có dự án đối tác ngại liên lụy không muốn tham gia vận hành dự án.

4 dự án của Tập đoàn Hóa chất -Vinachem (nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ) đã hoạt động ổn định với phương án sản xuất kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm, kết quả sản xuất kinh doanh đã cải thiện đáng kể. CTCP DAP – Vinachem dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế. 3 nhà máy còn lại vẫn lỗ do giá nguyên liệu cao, giá sản phẩm thấp.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất vẫn chưa vận hành sản xuất lại được.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy sinh học Dung Quất để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 01/01/2018. Đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp Hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành).

Tình trạng hiện tại của Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. Các đơn vị thành viên của PVN đã cử nhân sự đến hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý, đánh giá thực trạng bảo trì bảo dưỡng chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.

Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) vẫn tiếp tục thi công đóng mới sửa chữa tàu và nỗ lực tìm kiếm và bổ sung các đơn hàng mới đã nộp NSNN12,47 tỷ đồng.

Về 2 dự án thép: tình hình sản xuất kinh doanh của CTCP Gang thép Thái Nguyên TISCO vẫn ổn định với giai đoạn 1 đã hoàn thành trước đó đưa vào sử dụng, lợi nhuận ước đạt 95,89 tỷ. SCIC đã hoàn thành việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo toàn một phần vốn góp của Nhà nước. Nhà máy thép Việt – Trung (VTM) bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 163 tỷ đồng, nộp ngân sách 502 tỷ đồng tiền thuế các loại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam đã xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Đến nay, đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện theo đúng các qui định của pháp luật.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu bám sát đề án đã được trình Chính phủ, bám sát các chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án đã vận hành thương mại, các lãnh đạo phải đôn đốc, triển khai quyết liệt quản trị DN, khai thác các cơ hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, tích cực giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu, bán vốn sau này.

Yêu cầu các Chủ tịch HĐTV, HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn rà soát, xem xét trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo các dự án, nhà máy trong việc chấp hành chỉ đạo chung của Chính phủ; trường hợp những người này thực hiện không nghiêm, đề nghị căn cứ theo thẩm quyền xem xét trách nhiệm của lãnh đạo đó và có phương án thay thế, kiện toàn nhân sự.

Bộ trưởng yêu cầu Vinachem xây dựng kế hoạch thực hiện quyết toán hợp đồng EPC với các dự án, còn TISCO tính toán phương án thuê tư vấn giải quyết tranh chấp với nhà thầu, kiên quyết xử lý dứt điểm. Đối với Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp nghiên cứu thị trường, tìm các hình thức hợp tác giữa các nhà máy để tái khởi động dự án, tranh thủ huy động nguồn lực các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng thông qua các hình thức hợp tác.

Cùng với phương án xây dựng kế hoạch vận hành cần khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn, bán vốn để báo cáo Ban Chỉ đạo. Sớm định giá tài sản và có phương án bán thanh lý nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Hỗ trợ chủ đầu tư Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ tìm nhà đầu tư tiềm năng, nếu hết năm 2017 không xử lý được thì phải tính phương án khác.

Với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, cần xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để hỗc trợ tư vấn pháp lý, đưa ra các kịch bản, hoàn thiện các quy định, thủ tục thoái vốn…

Tri Nhân

Tin đọc nhiều