Xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm

15:42 | 09/03/2018

Giá trị XK gạo của Việt Nam đã vượt Thái Lan, đánh dấu những nỗ lực của ngành sản xuất này...

DN xuất khẩu gạo gia tăng giá trị thương phẩm
Gạo Việt chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới

Gạo Việt tăng cả lượng và chất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo XK tháng 2/2018 ước đạt 397 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 889 nghìn tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo XK bình quân tháng 1/2018 đạt 486 USD/tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.

xuat khau gao khoi sac dau nam
Giá gạo xuất khẩu của nước ta đang xác lập đỉnh cao mới khi vượt qua cả gạo Thái Lan

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2018 với 26,9% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1/2018 với 23,5% thị phần.

Cùng với sự gia tăng về kim ngạch và giá trị, cơ cấu gạo XK đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK.

Chia sẻ tại cuộc họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng thường trực Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, nếu như giá gạo XK bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn thì sang đến những tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt XK đã bật tăng lên 475 USD/tấn.

Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây. Đáng chú ý, hiện giá gạo XK của Việt Nam cao hơn gạo của Thái Lan từ 100 - 150 USD/tấn, sau nhiều năm được đánh giá là lép vế về giá và chất lượng.

Lý giải về giá XK gạo tăng cao, theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo XK đã có sự tham gia nhiều hơn của khối DN tư nhân nên chất lượng gạo đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, các DN gạo đã bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, gạo Việt XK được giá cao là do chất lượng đã tăng lên. Như trước đây chúng ta thường XK gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Theo đó, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu XK.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng thời gian qua bước đầu đã có kết quả tốt. Hơn nữa, trong khi, cơ bản chất lượng gạo của các đối thủ cạnh tranh không cải thiện nhiều, còn gạo Việt có cải tiến đáng kể. Một yếu tố khác cũng tác động đến giá gạo Việt Nam đó là quan hệ cung cầu. Theo đó, Thái Lan mấy năm trước có khoảng mười mấy triệu tấn gạo tồn kho, giờ chỉ còn 3-4 triệu tấn. Nguồn cung ít thì giá sẽ tăng.

Nhiều thách thức ở phía trước

Mặc dù những tháng đầu năm 2018, mặt hàng gạo đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, mặt hàng này còn không ít thách thức. "Bản thân, chúng tôi nhận thức rõ khâu chế biến sản phẩm gạo của Việt Nam còn thấp so với trình độ chung của thế giới. Việt Nam còn kém xa Thái Lan về việc đa dạng hoá, chất lượng, mẫu mã và một số vấn đề về thương hiệu gạo", ông Toản nói.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, mỗi mùa vụ, ở ĐBSCL luôn có gần 200 giống lúa được nông dân chọn để gieo trồng. Ngoài việc nhiều giống lúa, cách thu mua lúa gạo hiện nay còn có quá nhiều tầng nấc, từ thương lái, cơ sở xay xát, đến các DN. Trong quá trình này, hàng trăm giống lúa đã được trộn lẫn vào nhau. Và khi bán ra thị trường, chẳng ai biết trong 1 kg gạo có bao nhiêu giống lúa. Vì thế, gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ có thể tính theo gạo 5%, 15% hay 25% tấm chứ ít khi có gạo thơm đặc sản như Thái Lan với thương hiệu gạo Hom Mali, có giá trị cao gấp đôi so với gạo 5% tấm của Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 20% sản lượng gạo xuất khẩu chính thức có thương hiệu riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự xây dựng được thương hiệu gạo Việt, điều trước tiên là phải chọn được những giống lúa chất lượng cao.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, cùng với xây dựng thương hiệu, việc nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất lúa gạo, từ đó tăng tính cạnh tranh cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Và để làm được điều đó, rất cần những thay đổi, điều chỉnh về mặt chính sách, đặc biệt là đối với hạn điền.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, hiện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang nỗ lực hoàn thành và trình Chính phủ sớm đề án khắc phục những yếu kém này. Tuy nhiên, cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. "Ngành gạo phải cố gắng xây dựng thương hiệu, đồng thời chế biến là cốt lõi đi kèm tổ chức phát triển thị trường", ông Toản nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, để đảm bảo XK bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục kiên trì đi theo con đường nâng cao chất lượng gạo. Chúng ta phải giữ cơ cấu chủ yếu gạo XK là loại có chất lượng tốt (chiếm 80%); gạo thường giữ không quá 20%. "Tới đây phải làm tốt thương hiệu, có thương hiệu lâu dài chúng ta sẽ giữ được giá", ông Tuấn nhấn mạnh.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều