Xuất nhập khẩu trực tuyến: Tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp

08:50 | 15/05/2017

Cùng với sự phát triển của các công nghệ liên quan, internet ngày càng trở thành một công cụ quan trọng hỗ trợ các DN đàm phán, giao kết hợp đồng.

Đằng sau sự hồi phục
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất tính đến 30/4

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), internet là một kênh cung cấp thông tin thị trường nước ngoài hiệu quả cho các DN kinh doanh XNK (XNK). Cùng với sự phát triển của các công nghệ liên quan, internet ngày càng trở thành một công cụ quan trọng hỗ trợ các DN đàm phán, giao kết hợp đồng.

xuat nhap khau truc tuyen tiet giam chi phi cho doanh nghiep
Môi trường trực tuyến giúp các DN XNK tiếp cận được thị trường lớn hơn và giảm được chi phí nhiều hơn

Theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các DN XNK, có tới 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và 49% có website.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM cho rằng, hiện nay CNTT và truyền thông, đặc biệt là internet đã giúp các DN kinh doanh nói chung và các DN kinh doanh XNK nói riêng có nhiều cơ hội như mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm được chi phí trung gian và các chi phí thừa. Các DN XNK thông qua môi trường trực tuyến, đặc biệt là các sàn TMĐT và các kênh thông tin khác trên mạng để tìm kiếm, tiếp cận được với các đối tác nước ngoai, quảng bá được DN, cũng như sản phẩm dịch vụ của mình và tiếp cận được những dịch vụ tiên tiến một cách tối ưu.

Hoạt động XNK liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các DN XNK. Và việc này thường chiếm một khoản chi phí không nhỏ. Kênh trực tuyến cũng là cơ hội để DN có thể giảm nguồn nhân lực dành cho các thủ tục này, từ đó giảm được các chi phí không chính thức. Vì vậy TMĐT nói chung, đặc biệt là môi trường trực tuyến giúp các DN XNK tiếp cận được thị trường lớn hơn và giảm được chi phí nhiều hơn.

Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2017 cho thấy, nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ XNK. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới XNK khác, các DN đã tích cực sử dụng mạng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.

TMĐT giúp các DN nâng cao hiệu quả ở các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý Nhà nước khác.

Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ OSB cho biết, với nhiều DN Việt Nam, XNK trực tuyến là khái niệm tương đối mới, nhưng họ có thể sử dụng sự hỗ trợ từ các kênh TMĐT cho việc tìm kiếm đối tác cũng như mua bán hàng. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của CNTT và TMĐT thì lĩnh vực này ngày càng phát triển.

Hiện nay, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, nên việc hỗ trợ cho các DN xuất khẩu cũng nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ. Đặc biệt, Liên minh hỗ trợ XNK Việt Nam đã ra đời, gồm 4 đơn vị liên kết lại để xây dựng gói dịch vụ hỗ trợ các DN nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các thị trường Asean, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Qua đó giúp các DN không chỉ tìm kiếm được các bạn hàng nước ngoài, nhập khẩu với chi phí rẻ, hợp lý mà còn cung cấp cho DN các gói dịch vụ để giao thương với các đối tác nước ngoài, như bảo hiểm, dịch vụ giao vận...

Mặc dù lợi ích của kinh doanh trực tuyến là không nhỏ, nhưng hình thức này vẫn còn mới mẻ đối với các DN Việt Nam. Trên thực tế, số DN Việt Nam có nhận thức đầy đủ về xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài là chưa cao. Có thể do DN còn thiếu thông tin, trải nghiệm chưa đầy đủ, hoặc do rào cản về ngôn ngữ mà chưa tiếp cận được lợi ích của việc tham gia sàn TMĐT. Đặc biệt, các rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh XNK trực tuyến cũng khiến cho nhiều DN còn e ngại.

Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, rủi ro lớn nhất của hình thức kinh doanh trực tuyến là không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các DN XNK với các đối tác, không có sự đảm bảo chắc chắn giữa hai bên với nhau. Ngoài ra, còn nhiều rủi ro khác như minh bạch thông tin khách hàng... Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, các DN kinh doanh XNK phải nâng cao nhận thức, đầu tư vào các công nghệ bảo mật hiện đại...

Hiện đã có không ít DN XNK Việt Nam bị lừa hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD khi giao dịch các đơn hàng trực tuyến với các đối tác nước ngoài. Đó là các DN nặc danh, DN ảo đã lợi dụng môi trường trực tuyến và sự non kém của đối tác.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã có hệ thống thương vụ mà các DN có thể nhờ trợ giúp. Ngoài ra, bộ này cũng có cổng thông tin xuất khẩu mà qua đó, các DN có thể khai thác thông tin an toàn. Các DN cũng có thể thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước của nước sở tại, hoặc dùng nhiều cơ chế khác để đảm bảo kinh doanh trên môi trường trực tuyến được an toàn.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều