Xuất xứ hàng hóa và bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh

12:00 | 26/07/2019

Chưa khi nào, vấn đề xuất xứ hàng hoá lại nhận được nhiều sự quan tâm từ cả phía người dân cho tới cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp cao nhất như thời gian vừa qua.

Quy định xuất xứ: Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng chưa thể thống nhất
Lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng
Khiếu nại về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam gia tăng

Tâm điểm chú ý đang dồn vào vụ việc một số cơ quan báo chí cáo buộc Công ty Điện tử Asanzo giả xuất xứ hàng điện tử gia dụng bằng cách gắn nhãn “Made in Vietnam” cho sản phẩm Trung Quốc để tiêu thụ nội địa. Từ góc độ cạnh tranh quốc gia, đang có nhiều lo ngại dấy lên về việc hàng xuất xứ nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để hưởng lợi ưu đãi từ các FTA.

Khi “Made in Vietnam” bị lợi dụng

Không thể ngồi yên để nhìn các thành quả của quá trình hội nhập bị lợi dụng, trong cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với các bộ, ngành, địa phương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh công tác kiểm tra xuất xứ hàng hoá cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ lợi ích cho các DN Việt Nam.

Tuy nhiên qua trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá, câu trả lời nói chung đều là rất khó để xác định thế nào là “Made in Vietnam” trong bối cảnh các văn bản pháp lý đối với lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện. Tại cuộc họp báo tổ chức cuối tuần qua của Tổng cục Hải quan, ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, qua kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.

xuat xu hang hoa va bai toan nang cao nang luc canh tranh
Quy định xuất xứ quá chặt sẽ tạo thêm thủ tục hành chính cho DN trong nước

Theo đó, nhiều DN (gồm cả DN FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Tuy nhiên khi xuất khẩu thì các DN này lại khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam nhằm hưởng mức thuế ưu đãi.

Cơ quan xác nhận chứng từ thương mại của VCCI cũng cho hay, thời gian vừa qua, một số sản phẩm xuất khẩu như đồ điện tử, linh kiện, thiết bị văn phòng, gỗ ván ép… có sự tăng trưởng đột biến; cùng với đó là nhiều DN FDI thành lập mới trong lĩnh vực này. Trước thực trạng đó, cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ đã kiểm tra xác minh và phát hiện có DN chỉ thực hiện các công đoạn gia công đơn giản như cắt, hàn bằng tay, sau đó xuất khẩu. Các trường hợp này đều bị từ chối cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Thực tế này cho thấy, trong bối cảnh khung pháp lý cho lĩnh vực xuất xứ hàng hoá còn đang thiếu hụt, công tác quản lý vẫn đang được thực hiện theo kiểu “dò đá qua sông”.

Cân nhắc theo chính sách phát triển và năng lực DN

Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá khuyến nghị, cách thức quản lý về xuất xứ cần được quy định khác nhau giữa hàng có nguồn gốc nước ngoài và hàng sản xuất trong nước. Đây cũng là cách thức đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo đó, đối với hàng sản xuất xuất khẩu hoặc sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài, cần quy định chặt chẽ; còn với hàng sản xuất trong nước, quy định xuất xứ như thế nào để được dán nhãn “Made in Vietnam” lại cần được đánh giá hết sức cẩn trọng.

Thực tế cho thấy, quy định về việc ghi xuất xứ hàng hoá theo kinh nghiệm quốc tế là muôn hình vạn trạng, rất đa dạng và tuỳ biến theo nhu cầu quản lý cũng như chính sách bảo vệ các ngành hàng của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ chỉ quy định việc ghi xuất xứ trên bao bì đối với các sản phẩm nhập khẩu, còn hàng sản xuất trong nước là tuỳ ý DN; Trung Quốc quy định việc dán nhãn cho thực phẩm nhập khẩu; EU quy định cho thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu; Nga quy định cho tất cả các sản phẩm hàng tiêu dùng… “Việt Nam đã có quy định về dán nhãn lên sản phẩm, nhưng chưa đưa ra được tiêu chí sản phẩm như thế nào được dán nhãn là “Made in Vietnam”, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI khẳng định.

Một chuyên gia về xuất xứ hàng hoá của Bộ Công thương chia sẻ: “Việc dán nhãn “Made in…” đối với hàng sản xuất trong nước ở hầu hết các nước là tự nguyện, nhiều quốc gia chưa có quy định thống nhất vì làm chặt quá sẽ khiến nhiều ngành hàng bị tiêu diệt và làm lỏng cũng có ngành ngắc ngoải, vì vậy cần tuỳ biến và linh hoạt”. Với mặt hàng mà DN có thể tận dụng nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài để sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ, phục vụ lợi ích của số đông người tiêu dùng trong nước, chỉ cần công đoạn cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam. Song, vị này nhấn mạnh với những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và có thể lấy làm thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam thì phải có quy định truy xét nguồn gốc xuất xứ kỹ càng.

Ông Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie chỉ ra thực tế là trong quá trình tư vấn pháp lý cho DN, đơn vị này đã gặp trường hợp những khách hàng lớn, tập đoàn uy tín và rất tuân thủ về vấn đề xuất xứ, nhưng chính bản thân họ cũng đã mắc phải sai lầm trong quá trình thực hiện thủ tục này. Điều đó cho thấy vấn đề xác định xuất xứ là rất phức tạp, nếu đặt ra quy định chặt chẽ, khó tuân thủ thì đứng ở góc độ DN (đặc biệt là DN trong nước) sẽ tạo thêm rào cản kinh doanh cho DN. Còn ở góc độ người tiêu dùng, thực tế cho thấy vấn đề xuất xứ không quan trọng bằng chất lượng hàng hoá.

“Khi kiểm soát được sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thì chúng ta có thể yên tâm thương hiệu quốc gia không bị xâm phạm. Còn sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng hàng kém chất lượng thì khi đó xuất xứ vẫn bị xâm hại, cũng như thương hiệu Việt Nam vẫn bị xâm hại”, ông Trung nhấn mạnh.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều