Xúc tiến xuất khẩu của DN: Vừa thiếu, vừa yếu

18:46 | 04/05/2012

Xúc tiến xuất khẩu của các DN Việt Nam bị đánh giá là thiếu và yếu nên khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài bị hạn chế. Nguyên nhân một phần cũng do chi phí cao, hiệu quả thấp nên nhiều DN ngại bỏ chi phí đầu tư cho hoạt động này.

Ngại đầu tư cho xúc tiến xuất khẩu

Đánh giá từ Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) - Bộ Công Thương trong báo cáo Xúc tiến xuất khẩu 2011-2012 vừa công bố cho thấy, Xúc tiến thương mại của DN Việt Nam thiếu và yếu trên mọi lĩnh vực.

Ảnh: MH
DN cần tham gia nhiều hội chợ nước ngoài để mở rộng thị trường

Các công cụ Marketing ít được các DN sử dụng bao gồm việc viết bài giới thiệu trên báo chí nước ngoài (20,08% rất ít và 22,22% ít); làm phóng sự giới thiệu về doanh nghiệp (14,92% rất ít và 20,9% khá); các loại ấn phẩm (13,7% rất ít và 26,03% ít) và tài trợ cho các hoạt động xã hội (8,34% rất ít và 19,44% ít). Điều này phản ánh chính sách marketing của DN Việt Nam chú trọng vào việc thúc đẩy doanh số bán hàng thay vì các hoạt động xây dựng hình ảnh hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Theo khảo sát của Vietrade, 18,67% số DN được hỏi trả lời có nhu cầu rất thấp đối với dịch vụ tham dự hội chợ ngoài nước; 17,11% đối với hội chợ trong nước và 9,72% đối với dịch vụ tư vấn kinh doanh. Bên cạnh đó, 55% các DN được điều tra cho rằng sẵn sàng mua thông tin hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn dự báo về biến động thị trường, 45% còn lại không sẵn sàng chi trả. Có nghĩa là còn gần một nửa đối tượng là các DN xuất khẩu không sẵn sàng trả tiền cho các dự báo tương lai để biết trước nhằm đưa ra các kế hoạch và chương trình hành động phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, những tồn tại này bắt nguồn từ cả phía chủ quan DN và khách quan là các tổ chức xúc tiến thương mại và tư vấn kinh doanh. Về phía DN, một bộ phận còn "đắn đo" về mức chi phí nên chưa mạnh tay đầu tư. Hơn thế nữa, nhiều DN còn lo ngại đồng tiền mình bỏ ra chưa tương xứng với cái được nhận về. Đơn cử, đối với các cơ hội giao thương, cho đến nay, các tổ chức xúc tiến thương mại chủ yếu chỉ mới dừng lại ở khả năng đưa tin, nhưng lại không có năng lực thẩm định đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, việc kết nối các đối tác trước và tổ chức tiếp xúc tại hội chợ còn hạn chế, các đoàn khảo sát thường mang tính chất du lịch nhiều hơn là tìm kiếm cơ hội kinh doanh thực sự. Điều này đến lượt đã làm nhụt chí lãnh đạo các DN.

Nhu cầu của DN vẫn lớn

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt xấp xỉ 100 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thành công lớn đối với các DN xuất khẩu cũng như chiến lược xúc tiến xuất khẩu đạt hiệu quả. Hiện nay, để thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam sang các nước, đặc biệt là các thị trường lớn có nhiều cạnh tranh như Mỹ, EU, Nhật Bản…, các DN Việt Nam cần quảng bá mạnh hơn nữa để gây dựng lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro cho biết, Hapro là một trong những DN rất thành công trong lĩnh vực xuất khẩu. Đến nay, 3 ngành hàng chính xuất khẩu của Tổng công ty là thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc đã có mặt trên thị trường của 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 321,9 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 217,4 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ 2010. Theo ông Sơn, một trong những kinh nghiệm để DN tiếp cận thành công và hiệu quả với thị trường thế giới là nghiên cứu thường xuyên và thiết lập quan hệ thị trường với các nước bạn.

Trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu, cộng đồng DN hiện rất quan tâm đến việc tham gia các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài để có nhiều cơ hội hợp tác. Theo ý kiến các DN, đối với việc tham gia các triển lãm ở nước ngoài, họ không mong muốn chỉ mang hàng đi bán lẻ, mà muốn tìm những nhà phân phối chính thức, những đối tác lớn và những khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, DN còn có nhiều cơ hội giao thương trực tiếp với khách hàng mua bán sỉ, có thể làm nhà phân phối ở các thị trường cho DN. Ông Phan Huy Bính - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trung Nguyên cho rằng, việc DN tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài giúp các DN có nhiều điều kiện quảng bá sản phẩm. Không những thế, DN có thể tiếp xúc hợp tác với các đối tác đến từ nhiều quốc gia để mở rộng mạng lưới phân phối trực tiếp. Hiện tại Công ty đang xúc tiến mở rộng mạng lưới xuất khẩu chè sang các nước Trung Đông. Vì thế DN rất cần các thông tin về đối tác cũng như tham gia các triển lãm về ngành chè ở khu vực này. DN mong muốn Cục Xúc tiến Thương mại cũng như các tổ chức của Chính phủ tăng cường giúp đỡ các DN tham gia nhiều hội trợ triển lãm về chuyên ngành tại nước ngoài hơn nữa.

Tuy nhiên, các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn bị cho là yếu kém trong việc phát triển hệ thống phân phối. Theo nhận xét của các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài, việc phát triển hệ thống phân phối của các DN Việt Nam nói chung ở mức trung bình kém. Bức tranh tương phản rõ nét mà DN Việt Nam bị đánh giá "rất kém" là chưa đủ khả năng tiếp cận và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng (42% rất kém), chưa thể tự mở các cửa hàng lớn tại nước ngoài (62% rất kém), chưa thể mở chuỗi các cửa hàng bán lẻ của Việt Nam (60% rất kém) và ngay cả chưa thể bán thẳng sản phẩm cho hệ thống các siêu thị mà vẫn phải qua nhà buôn trung gian (38% rất kém).

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều