Yếu pháp lý, rủi ro rình rập doanh nghiệp

11:21 | 15/04/2015

Các DN phải tự bảo vệ mình, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Hỗ trợ không đến đúng địa chỉ

Với chủ trương phát triển vật liệu không nung để thay thế vật liệu nung, các chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế… đã ra đời, thu hút đến hơn 1.700 DN tham gia đầu tư. Thế nhưng, trong suốt 5 năm qua cơ chế hỗ trợ vẫn chưa đến được tay các DN.

Theo ông Lê Anh Ba, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng, nguyên nhân lớn nhất là việc thi hành chính sách hỗ trợ không kịp thời, không đầy đủ, dẫn đến DN lúng túng trong việc “xin” hỗ trợ. Điều này góp phần đẩy DN đến khó khăn, sản xuất giảm, nhiều DN chỉ chạy khoảng 20% công suất nên ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Về vấn đề này, TS. Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) nhìn nhận, phần lớn các chính sách đưa ra hiện nay rất tốt, song quá trình thực hiện lại còn nhiều bất cập. Do đó, việc làm thế nào để các DN nhận thức được, không phải cầm tay chỉ việc, mà là tổ chức thực hiện tuyên truyền là rất quan trọng.

Cũng bởi, nếu không có tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ cho DN nâng cao hiểu biết pháp lý và thực thi pháp luật, thì các chủ trương chính sách cũng chỉ trên giấy.

Chuyện của các DN ngành vật liệu xây dựng cũng khá phổ biến ở nhiều ngành nghề kinh doanh khác, việc hỗ trợ pháp lý yếu khiến chính sách không đến đúng địa chỉ.

“Trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ về pháp luật cho DN, hình như chúng ta đang quên mất các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bởi khi thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, vai trò cơ quan xã hội nghề nghiệp rất quan trọng, nhằm giúp giải quyết các xung đột, bảo vệ cho DN. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, tổ chức hội thảo, quảng bá pháp luật, pháp lý cho DN. Song từ thực tiễn hoạt động của các DN trong ngành, chúng tôi thấy rằng hoạt động hỗ trợ pháp lý cần hướng vào việc thực thi chính sách, pháp luật, giúp cho các DN tiếp cận được. Chứ hiện nay mắc về thuế, đất đai, ưu đãi… tiếp cận như thế nào, DN rất vướng”, ông Ba nói.

yeu phap ly rui ro rinh rap doanh nghiep
Các DN cần chủ động đưa ra các giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý

Thách thức khi hội nhập

Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào thế giới, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, các DN phải tự bảo vệ mình, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý nếu DN muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Song, trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nền tảng tri thức pháp lý của DN tương đối thấp, nên công tác hỗ trợ pháp lý cho DN gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý còn hạn chế cũng là rào cản. So sánh với một số quốc gia thì thấy, nếu như mỗi năm Hàn Quốc hỗ trợ tới 2.000.000 won (tương đương 40 triệu đồng) cho một DN để giải quyết vướng mắc pháp lý, thì ở Việt Nam, ngân sách hỗ trợ pháp lý cho DN chỉ bằng… một cuốn sách pháp luật, tức là chưa đầy 20 nghìn đồng.

Theo ông Trần Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), thực tế trên khiến cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN gặp không ít khó khăn, và đạt hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là những hạn chế trong liên quan đến công tác xây dựng cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa hoàn thiện; đội ngũ làm công tác pháp lý phần lớn kiêm nhiệm…

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa DN và hiệp hội còn hạn chế, nên có nhiều vụ việc DN cứ một mình “đơn phương độc mã” để giải quyết vụ việc.

Vướng mắc nhất là vấn đề nguồn nhân lực, khi hầu hết các hiệp hội, DN chưa hình thành một bộ phận chuyên trách làm công tác pháp lý, nhận thức về hoạt động hỗ trợ pháp lý của DN cũng chưa đầy đủ, trong khi nguồn tài chính để thực hiện hoạt động này còn hạn hẹp, dẫn đến hiệu quả không cao.

Thậm chí, có những DN còn không quan tâm đến công tác pháp luật, lãnh đạo DN kiêm cả chức vụ giải quyết các vấn đề pháp luật, nên khi có tranh chấp xảy ra, DN lúng túng và bị động, dùng “cửa sau” để giải quyết nên càng tốn kém và không mang lại hiệu quả.

Do đó, TS. Khải cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ DN cần đảm bảo tính đồng bộ, tạo sự chủ động cho DN, tránh rủi ro, mà còn cần phải hỗ trợ trực tiếp nhu cầu pháp lý cho DN trên cơ sở phân loại nội dung, công việc, địa phương, loại hình DN, để tuyên truyền, tư vấn phù hợp với từng đối tượng.

Trên cơ sở đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục, giấy phép con, với định hướng hỗ trợ pháp lý cho DN phải mang tính bền vững hơn. Có như thế, DN Việt mới hạn chế được rủi ro kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều