3 xu hướng của ngành thực phẩm - đồ uống

13:55 | 09/10/2019

Ngày 8/10/2019, Vietnam Report và VietNamNet chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2019.

Thời của ngành công nghiệp thực phẩm Việt
Ngành thực phẩm - đồ uống: Triển vọng thị trường và xu hướng tiêu dùng
Ngành đồ uống Việt Nam có sức hút lớn

Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report, được thực hiện trong tháng 9/2019, đã điểm mặt một số thương hiệu tiêu biểu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (phân theo nhóm sản phẩm), bao gồm: Vissan (Thực phẩm tươi sống), Cái Lân (Gia Vị, Dầu ăn), Vinamilk (Sữa), Đường Quảng Ngãi (Bánh kẹo), Heineken (Bia rượu), Pepsi (Nước ngọt), Trung Nguyên (Cà phê), Acecook (Đóng gói, đồ hộp).

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Các thương hiệu thực phẩm - đồ uống được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất năm 2019 (phân theo nhóm sản phẩm)

Thương hiệu tiêu biển vẫn hạn chế về truyền thông

Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. Tuy nhiên, kết quả phân tích truyền thông cho thấy, sự hiện diện trên truyền thông của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống hiện còn hạn chế.

Chỉ 49,7% số doanh nghiệp được nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức (xem thêm box ghi chú), trong đó 52,1% có tần suất xuất hiện tối thiếu 1 lần/ 1 tháng. Về độ đa dạng thông tin, 11,6% số doanh nghiệp có thông tin bao phủ 10/24 số nhóm chủ đề có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. 3 nhóm chủ đề thường được đề cập đến nhiều nhất: Tài chính/ Kết quả kinh doanh, Cổ phiếu, Sản phẩm.

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng "tốt nhất" là trên 20%. Trong ngành thực phẩm - đồ uống, hiện có khoảng 28% số doanh nghiệp đạt mức 10% này.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
10 doanh nghiệp có tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực/tiêu cực cao nhất trên truyền thông trong giai đoạn từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019

Phần lớn các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống trong khảo sát của Vietnam Report cũng cho rằng những rủi ro liên quan đến thương hiệu và uy tín doanh nghiệp sẽ có ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn chung, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm - đồ uống mà phần đông các doanh nghiệp Việt đều khá dè dặt với truyền thông bởi thiếu khả năng kiểm soát thông tin. Đây cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Cơ hội tăng trưởng cho thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe

Ngành Thực phẩm và Đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và đồ uống có lợi cho sức khỏe sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm sạch và thức uống có lợi cho sức khỏe.

Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 66% các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không thay đổi so với năm 2018.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Nhận định về kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống

Tuy nhiên, để có thể tạo dựng được uy tín và chinh phục các thị trường không chỉ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nắm bắt tốt sự chuyển động các các xu hướng lớn trong ngành, để có sự chuẩn bị rốt ráo về sản phẩm và cách tiếp cận phù hợp.

3 xu hướng của ngành thực phẩm - đồ uống

Kết quả nghiên cứu và khảo sát của Vietnam Report chỉ ra có 3 xu hướng chính nổi lên trong giai đoạn 2019-2020 của ngành.

Thứ nhất là sự bùng nổ của các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện môi trường.

Trong bối cảnh khi mà thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng dần trở thành những người tiêu dùng thông minh và hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh thông qua việc sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và nguyên liệu sạch.

Trong ít nhất 3 năm tới đây, dự báo sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ và sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường.

Một vài chiến dịch về sức khỏe của chính phủ phát động, kèm theo đó là nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, thực phẩm sạch cũng đã được nâng lên và mặc dù đây mới chỉ là xu hướng mới nổi nhưng cũng là tín hiệu tốt cho thấy vẫn còn room cho tăng trưởng của thị trường ngách này.

Các nhà sản xuất cũng bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc quảng bá ích lợi liên quan đến sức khỏe trong các sản phẩm của họ.

Trong phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm đồ uống của Vietnam Report tiến hành tháng 9/2019, có đến 46% các chuyên gia nhận định rằng Sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên và 36% nhận định rằng Sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ sẽ là những xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Nhận định về xu hướng sản phẩm trong ngành trong thời gian tới

Trong khảo sát nhanh hành vi người tiêu dùng trên 2 thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2019 của Vietnam Report cũng cho thấy ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm – đồ uống đó là Thành phần dinh dưỡng đầy đủ (tỷ lệ phản hồi 60,3%), tiếp đến là Sản phẩm có nguồn gốc Organic (tỷ lệ 51,5%).

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Những yếu tố tác động đến quyết định mua thực phẩm – đồ uống của người dùng

Một số chuyên gia nhận định rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở các đô thị, thành phố lớn đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, các nhu cầu này cũng được xét kỹ hơn ở các tiêu chí mang tính kỹ thuật cao như: truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe. Vì vậy việc hoàn thiện hệ thống từ sản xuất tới phân phối của doanh nghiệp là rất cần thiết cho những cạnh tranh ngoài thị trường để đáp ứng mọi nhu cầu ngày một cao và rất đa dạng của người tiêu dùng.

Thứ hai là sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều chung nhận định rằng người tiêu dùng không chỉ sử dụng các sản phẩm mang tính đại chúng của các tập đoàn lớn sản xuất mà họ cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, câu chuyện về sản phẩm. Những đặc tính như vậy làm tiêu dùng trở nên cá nhân hóa hơn, chịu ảnh hưởng chi phối của cảm xúc và giá trị nhân văn giữa người mua và người bán.

Với xu hướng như vậy, người tiêu dùng sẽ đặt niềm tin vào thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp và điều này được đánh giá bằng tính trung thực của thương hiệu trong việc cung cấp thông tin minh bạch và truy xuất thông tin dễ dàng.

Một chuyên gia uy tín trong ngành cũng nhấn mạnh rằng khi các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống đi tìm các chất phụ gia cho thực phẩm, đồ uống thường gặp phải khó khăn đầu tiên đó là truy xuất nguồn gốc, nếu không truy xuất nguồn gốc thì không thể tham gia được thị trường và đây là điều các doanh nghiệp trong ngành đang thấy rõ và cũng đang phát triển theo hướng đó.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Một số xu hướng ngành theo nhận định của doanh nghiệp từ kết quả khảo sát Vietnam Report

Thứ ba là khả năng sáng tạo từ dữ liệu lớn.

Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, các ứng dụng của Big Data và AI cũng đã được sử dụng trong một số doanh nghiệp thực phẩm đồ uống ở Việt Nam như ứng dụng VinMart Scan & Go đó với khả năng thanh toán siêu tốc, giúp tiết kiệm tới 90% thời gian xếp hàng chờ đợi hay việc sử dụng rộng rãi Robot trong các khâu chế biến, xử lý và vận hành của Vinamilk.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành trong khảo sát của Vietnam Report cho thấy xu hướng tiềm năng nhất mà Big Data mang lại cho ngành thực phẩm đồ uống đó là khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa, và do đó, sản phẩm sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây là xu hướng mới nhưng sẽ khả năng sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh nhất nhất trong nhiều năm tới.

Với dữ liệu thu thập được về các chỉ số cơ thể và sức khỏe của khách hàng, từ đó, qua phân tích dữ liệu lớn, đề nghị chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất và thiết kế bữa ăn theo báo cáo phân tích sức khỏe kèm theo dịch vụ giao sản phẩm tận nơi cho khách hàng. Khi các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe trở nên thịnh hành hơn, đây có thể sẽ là xu hướng ứng dụng công nghệ mới và hấp dẫn nhất với ngành thực phẩm đồ uống.

5 thách thức, khó khăn

Cùng với 3 xu hướng chính nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong thời gian tới.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report tháng 9/2019 cho thấy, trong thời gian 2019-2020, đa số các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính bao gồm: Chất lượng nguồn nhân lực; Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Nguồn nguyên liệu đầu vào; Quy mô nhỏ; Thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản.

Một số thách thức/khó khăn khác do doanh nghiệp đưa ra, mặc chiếm tỷ lệ không nhiều những cũng đáng lưu tâm như thị trường thế giới giảm giá, cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa.

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Top 5 khó khăn/thách thức doanh nghiệp trong ngành sẽ đối mặt trong giai đoạn 2019-2020

Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, có hai khó khăn/thách thức chính của các doanh nghiệp trong thị trường, cụ thể là

Thứ nhất, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đi đôi với đó là các yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu khi các hiệp định đối tác thương mại đã được thông qua. Ví dụ ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%; 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu. Các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon, chế phẩm enzym... chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu.

Thứ hai, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành. Đáng lo ngại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Cụ thể như các thương hiệu Việt nổi tiếng như Vissan, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…

Mức độ cạnh tranh trong ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Sự cạnh tranh đến mức nhiều doanh nghiệp nội bị thôn tính và sáp nhập, nguyên nhân chính là do thói quen văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi kịp so với sự hội nhập.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn.

Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào Đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng gần 96%); Nghiên cứu thị hiếu của người dùng (khoảng 68%); và Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (khoảng 46%)

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
Những hoạt động ưu tiên chú trọng nhất trong năm 2020 của doanh nghiệp Thực phẩm – Đồ uống

Rõ ràng rằng, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích.

Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên, một mặt kích thích các doanh nghiệp trong nước thích nghi đổi mới để hòa vào “sân chơi” thương mại chung. Tuy nhiên, một thương hiệu mạnh là chưa đủ, đó còn phải là một thương hiệu uy tín. Vì vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên mình trên bản đồ thực phẩm - đồ uống thế giới.

Sau đây là danh sách Top 10 công ty thực phẩm uy tín phân theo nhóm ngành

3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
3 xu huong cua nganh thuc pham do uong
3 xu huong cua nganh thuc pham do uong

Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2019 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng vốn,... ); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát người tiêu dùng về mức độ nhận biết và sự hài lòng với các sản phẩm/dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2019 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019...

M.Hồng

Tin đọc nhiều