Theo TS. Donald Lambert, chuyên gia kinh tế chính về phát triển khu vực tư nhân của ADB, nhiều DNNN của Việt Nam khi vay vốn đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn gặp nhiều khó khăn khi vay vốn theo các điều khoản thương mại do quen với việc vay vốn dựa trên bảo lãnh của Chính phủ.
Để giải quyết vấn đề này, ông Donald Lambert cho rằng, điều quan trọng cần hiểu rõ những thách thức hiện hữu khi một DNNN vay vốn từ một bên cho vay quốc tế. Dưới đây là một số những thách thức phổ biến nhất.
Quản trị doanh nghiệp
Trong bất kỳ Tập đoàn nào luôn có sự xung đột lợi ích giữa các cổ đông và các chủ nợ. Các cổ đông muốn tối đa hóa lợi nhuận; còn các chủ nợ muốn được hoàn trả đúng hạn.
Đối với các DNNN, sự đánh đổi này thậm chí còn trở nên phức tạp hơn. Các cổ đông có thể quan tâm tới những kết quả kinh tế - xã hội nhiều hơn cả lợi nhuận hay việc trả nợ, và các hệ thống cũng như cơ chế kiểm soát để bảo vệ lợi ích của các chủ nợ, chưa kể những cổ đông thiểu số mà lợi ích của họ cũng sẽ khác, thường chưa được phát triển.
Sự minh bạch
Các tổ chức tài chính quốc tế thường coi trọng các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). IFRS cung cấp những số liệu mà có thể dễ dàng so sánh giữa các quốc gia, cùng các báo cáo công khai tài chính chi tiết.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DNNN, bởi vì cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường không được niêm yết, và do vậy báo cáo tài chính không được hỗ trợ thông qua các yêu cầu báo cáo của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, DNNN tại một số quốc gia được hưởng lợi từ những cơ chế báo cáo đặc biệt, ít nghiêm ngặt hơn so với các yêu cầu đối với doanh nghiệp tư nhân.
Năng lực
Năng lực của DNNN có thể là một trở ngại trong việc tiếp cận các khoản vay quốc tế. Lúc đầu, sự thiếu kinh nghiệm là một hạn chế. Nếu một DNNN chưa từng vay vốn theo các điều khoản thương mại, rõ ràng doanh nghiệp đó sẽ không biết cần phải làm gì. Thêm vào đó, các giới hạn trần về mức lương có thể ngăn cản DNNN thuê chuyên gia bên ngoài, điều mà bên vay thương mại lần đầu nên thực hiện.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã có kinh nghiệm, các nhà đầu tư quốc tế vẫn có thể nhận thấy quá trình ra quyết định của các DNNN là khá chậm chạp.
Giá cả
Các DNNN thường cho rằng rủi ro tín dụng của mình thuộc nhóm an toàn nhất và tự hào về sự hỗ trợ ngầm từ Chính phủ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn thường xem khối doanh nghiệp này là nằm ngoài điểm đầu tư.
Các DNNN đã quen với việc được chào giá tốt nhất ở trong nước mà có thể nhận thấy báo giá từ các nhà đầu tư quốc tế là quá cao. Sự thiếu liên kết này càng được khuếch đại khi DNNN trước đó chỉ quen với các khoản bảo lãnh của Chính phủ và đang vay vốn lần đầu tiên dựa trên sức mạnh từ bảng cân đối kế toán của riêng mình.
Bất cập về đồng tiền
Các khoản vay quốc tế lớn cho các DNNN thường được định danh bằng đồng USD hoặc một đồng tiền mạnh khác. Doanh thu của các DNNN lại thường được tính bằng đồng nội tệ. Các hợp đồng tiền tệ tương lai có thể không tồn tại, hoặc tồn tại với những mức giá không thể chi trả hoặc với kỳ hạn ngắn hơn thời hạn khoản vay.
Nói cách khác, bên cho vay quốc tế - người lo ngại về khả năng vỡ nợ của DNNN - chào khoản vay bằng một đồng tiền mà sẽ làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ, do DNNN có thể không đủ khả năng mua, tiếp cận hoặc chuyển khoản bằng đồng tiền mạnh cần thiết tại thời điểm trả nợ.
Rủi ro pháp lý
Các DNNN thuộc sở hữu của Chính phủ. Các tòa án trong nước được thành lập bởi Chính phủ. Sự xung đột lợi ích thực tế hoặc có thể nhận biết này không qua khỏi mắt các nhà đầu tư quốc tế, và họ sẽ thường cố gắng giảm thiểu rủi ro này bằng cách yêu cầu rằng mọi tranh chấp pháp lý phải được giải quyết bởi thẩm quyền tài phán ở nước ngoài.
Đây có thể là yêu cầu khó khăn đối với một số DNNN, do chi phí kiện tụng ở nước ngoài có thể rất tốn kém, hoặc do điều này có thể được diễn giải là ngầm thừa nhận rằng hệ thống pháp lý trong nước còn khiếm khuyết.
Các công cụ tài chính
Để tiếp cận nguồn vốn quốc tế với các điều khoản vay tốt hơn, rất nhiều DNNN trước tiên phải tiến hành những cải cách thể chế. Những cải cách này có thể mất nhiều tháng tới nhiều năm, trong khi DNNN cần phải huy động vốn ngay tức thì. Về mặt lý thuyết, Nhà nước có thể giúp bằng việc hỗ trợ một phần, và hỗ trợ này sẽ giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, những công cụ có thể giúp ích - như bảo lãnh tín dụng cho khoản thua lỗ đầu tiên, các quỹ dự phòng, bảo lãnh rủi ro chính trị, khoản vay thứ cấp - chưa được xây dựng. Thiếu những công cụ này, các DNNN buộc phải tiến hành bước chuyển đổi đột ngột, từ chỗ được Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn sang không còn hỗ trợ gì từ Chính phủ.
Thái Hoàng