Cục Thuế Hà Nội công khai 181 đơn vị nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất |
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến thời điểm 30/9/2018, tổng số tiền nợ thuế của các DN trên cả nước là 82.961 tỷ đồng; trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng. Số nợ thuế không thể thu hồi chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền nợ thuế, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Số nợ thuế không có khả năng thu hồi đang tăng lên theo từng năm |
Lý giải nào cho nợ thuế
Báo cáo đã nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến số thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi. Thứ nhất, một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh được pháp luật coi là đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không thanh toán được nợ thuế, không xác minh được tài sản của người nộp thuế còn hay không, không xác minh được quyền thừa kế tài sản, phân chia tài sản của người chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
Thứ hai, một số người nộp thuế mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.
Bên cạnh đó, số nợ thuế của các đối tượng này còn bị tính thêm tiền chậm nộp 0,03%/ngày. Với quy định này, tiền phạt và tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 đã tăng lên đến 12.273 tỷ đồng. Số nợ đó hiện vẫn tiếp tục được theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế.
Nguyên nhân tiếp theo là Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết được các trường hợp không tính tiền chậm nộp, xóa nợ trong thực tiễn đã xảy ra. Cụ thể, tính đến 31/12/2017 có 7.500 tỷ đồng tiền thuế nợ tồn tại trên 10 năm hiện nay vẫn đang treo, không thể xóa được.
Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế do trong quá trình triển khai thực hiện, có những khoản nợ trên 10 năm nhưng không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng, quy định thời hạn 10 năm mới được xoá nợ thuế áp dụng đối với các trường hợp này là quá dài, kinh nghiệm các nước thường áp dụng trong khoảng thời gian từ 2 - 7 năm.
Hồi giữa năm 2018 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung sửa đổi quy định về xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Một số quy định đáng chú ý được đề xuất như đối với các khoản nợ thuế đã quá hạn 5 năm thì được xóa nợ thuế; thời gian rút ngắn so với quy định trước đây là 10 năm.
Cũng tại dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng xóa nợ thuế là các khoản nợ không còn đối tượng để thu do gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn từ 1/7/2007 đến 31/12/2012. Mục tiêu nhằm giảm số nợ ảo, nợ không có khả năng thu hồi, tạo điều kiện cho cơ quan thuế tập trung nguồn lực để đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu hồi.
Xoá nợ để nuôi nguồn thu?!
Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề xoá nợ thuế được Bộ Tài chính đưa ra. Từ năm 2014 đến nay, cơ quan này đã liên tục đề xuất xóa nợ thuế cho một số nhóm đối tượng người nộp thuế, từ việc đưa vào dự thảo sửa đổi luật đến nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, con số nợ thuế đề xuất xóa ngày càng lớn.
Còn nhớ hồi đầu tháng 3/2018 vừa qua, đề xuất xoá nợ thuế được đưa ra tại dự thảo tờ trình Chính phủ về Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, với tổng số tiền ước khoảng 26.500 tỷ đồng, song đã tiếp tục gặp phải sự phản đối từ phía dư luận.
Lần này, với các nội dung sửa đổi trong Luật Quản lý thuế, có thể thấy cơ quan quản lý vẫn tiếp tục kiên trì với đề xuất xoá nợ thuế, mà tới nay đã lên đến con số gần 35.000 tỷ đồng.
Theo PGS-TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính phân tích, việc xoá nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp khó nhận được sự đồng thuận của dư luận do nhiều ý kiến nghĩ rằng đây là sự thiệt thòi của ngân sách. Tuy nhiên, ông Trường nêu quan điểm, nhiều DN đã bị phá sản, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh nên dù không xóa nợ thì khả năng hoạt động sinh lời trở lại để có tiền nộp thuế cũng gần như bằng không. Trong trường hợp đó, việc xóa nợ sẽ giúp DN phục hồi và phát triển sản xuất, từ đó có khả năng đóng góp trở lại vào ngân sách nhà nước trong tương lai.
TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng các quốc gia khác cũng thực hiện xoá nợ thuế trong các trường hợp bất khả kháng do người nộp thuế thực sự gặp khó khăn. Có những khoản cơ quan thuế cảm thấy không thể thu được do xác định chủ thể rất khó, nếu có thu được cũng không đáng bao nhiêu nên khoản nợ bị treo hết năm này tới năm khác. Với những khoản trên nếu không xóa mà tiếp tục treo thì chi phí để thu được còn cao hơn số nợ.
Vấn đề xoá nợ thuế lâu nay cứ đề xuất là gặp phải sự phản đối mạnh từ phía dư luận, song các chuyên gia tài chính cho rằng, trước sau cũng phải đưa ra để xử lý. Quan trọng nhất là Bộ Tài chính cần giải thích một cách cặn kẽ, rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Việc xóa nợ phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt, cần phân loại rõ ràng. Khi đó, mọi người sẽ thấy đây là vấn đề đã được minh bạch, công khai, và cần thiết phải thực hiện sớm.
Ngọc Khanh