Bamboo Airways: Giải 'cơn khát' bay thẳng

13:29 | 20/07/2018

Mỗi năm các hãng hàng không luôn có kế hoạch tăng tải nhưng vì sao vẫn không đáp ứng đủ cho khách bay thẳng nội địa, nhất là dịp cao điểm? “Tân binh” hàng không Bamboo Airways với chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10 được kỳ vọng giải một phần bài toán này.

Chính thức cho phép thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways
Bamboo Airways mua 20 máy bay Boeing

Thị trường vào cao điểm hè

Việt Nam đang trở thành 1 trong 10 điểm đến yêu thích nhất của khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách đạt xấp xỉ 7,9 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó với thị trường nội địa, mức sống của người dân được nâng cao, có khoảng 60-70 triệu người sẵn sàng tiêu tốn cho việc du lịch mỗi năm. Đa số họ đều chọn phương thức di chuyển bằng đường hàng không.

Theo đó, do gia tăng lượng khách tập trung vào mùa cao điểm, như tháng hè 6-7-8, các hãng hàng không phải đồng loạt tăng chuyến.

bamboo airways giai con khat bay thang
Bamboo Airways đã sẵn sàng chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10

Đầu tháng 6/2018, Vietnam Airlines dự tính tăng thêm 530.000 ghế, tương đương gần 3.000 chuyến trên các đường bay nội địa, nâng tổng tải cung ứng nội địa lên 4,5 triệu ghế.

Trong khi đó, đại diện Jetstar cho biết, hè 2018 sẽ khai thác khoảng 128 chuyến/ngày, tương đương cung ứng khoảng 160.000 chỗ/tuần tới 16 điểm đến nội địa.

Riêng Vietjet Air cũng cho biết sẽ tăng chuyến trong dịp hè này, nhưng chưa công bố số liệu cụ thể.

Ghi nhận tại các hãng lữ hành cho thấy, ngoài những điểm đến truyền thống như: Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết… nhu cầu du lịch còn tăng mạnh ở các điểm mới, như: Quảng Bình, Nghệ An, Hải Phòng... Lượng khách lẻ chủ động không cần đặt tour tăng 20-50%.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Với các tour trọn gói, Hè năm nay Công ty chuẩn bị dịch vụ cho 270.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để đáp ứng nhu cầu tự đi du lịch đang tăng cao”.

Khan hiếm đường bay nội địa

Động thái rõ rệt của các hãng hàng không thời gian gần đây là ngoài việc tăng tải còn mở thêm nhiều đường bay mới, đặc biệt là thẳng ra nước ngoài, nhưng thực trạng khan hiếm nguồn cung vẫn đang diễn ra.

Đại diện Abay.vn cho hay: Hè này, lượng khách đặt chuyến đến các điểm du lịch mới tăng đột biến. Lý do là có rất nhiều quần thể nghỉ dưỡng ven biển tiêu chuẩn 5 sao mà giá khá ưu đãi, nhất là các gói family. Tuy nhiên, các điểm du lịch mới lại ít có đường bay thẳng nội địa nên vé khan hiếm hoặc giá thành quá cao, thành thử khách hàng thường phải mua vé transit (trung chuyển) khá vất vả.

Vì buộc phải trung chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài để đến điểm đích, nên các sân bay này luôn quá tải. Du khách lãng phí thời gian chờ đợi trong khi kỳ nghỉ không phải là bất tận.

Cùng với đó, chi phí mua vé máy bay tăng cao, do phải bay nối chuyến. Hoặc một số chuyến nếu được bay thẳng dù ngắn thì chi phí cũng xấp xỉ những chặng bay dài.

Trong bối cảnh đó, “tân binh” Bamboo Airways đã sẵn sàng giải một phần bài toán bay thẳng. Theo tính toán của hãng này, hiện nay, các sân bay Việt Nam phục vụ trên 94 triệu hành khách trong năm 2017, tăng 16% so với năm trước. Đây là con số cho thấy dư địa vẫn còn dồi dào cho một hãng hàng không mới mẻ như Bamboo Airways.

Một nguồn tin mới nhất từ đại diện Bamboo Airways cho biết, đợt bán vé lần đầu sẽ diễn ra vào ngày 2/9 để chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên diễn ra vào ngày 10/10/2018.

Trước đó, ngày 9/7/2018, hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức được cho phép thành lập.

Với chiến lược của một hãng hàng không hybrid, lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá hợp lý, tức giá phải chăng, chất lượng dịch vụ xuất sắc, Bamboo Airways hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm bay cho đại đa số người dân Việt, đặc biệt là cơ hội bay thẳng đến nhiều địa danh trong nước và quốc tế, những nơi đang khó khăn về giao thông, hoặc nếu có các đường bay rồi thì cũng rất mất thời gian, số chuyến bay ít, giá cả đắt đỏ.

Ví dụ, hiện nay bay Hà Nội - Quy Nhơn có thể còn đắt hơn Hà Nội - TP.HCM. Cụ thể, giá vé hạng phổ thông Hà Nội - TP.HCM dao động từ 2,6 - 3 triệu đồng/vé, còn Hà Nội - Quy Nhơn khoảng từ 2,6 - 3,2 triệu đồng.

Trong vòng 3 tháng qua, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã ký thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD mua 20 máy bay Boeing 787-9 và 3 tỷ USD mua 24 máy bay A321 Neo. 600 vị trí việc làm cho Bamboo Airways bao gồm nhân sự dành cho các bộ phận vận hành, dịch vụ, tổ bay… đang được lấp đầy dần.

Cũng theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways: Trong khi chờ nhận máy bay, trước mắt Bamboo Airways sẽ thuê 20 máy bay để bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Vân Đồn… Chiến lược này vừa giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Ngoài ra, hãng cũng sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan…

Trong dài hạn, Bamboo Airways sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Á. Dự kiến đến năm 2020, hãng hàng không Bamboo Airways sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.

Dù là “tân binh” sắp bắt đầu hành trình mới, nhưng Bamboo Airways chắc chắn sẽ hỗ trợ được rất nhiều về những chuyến bay thẳng nội địa và đang mang đến một tin vui cho hàng triệu tín đồ du lịch trong năm 2018.

Mạng nội địa đến năm 2020 sẽ có thêm các đường bay liên vùng, đặc biệt không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo Việt Nam.

Đến 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển; phát triển đội tàu bay theo hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại; phát triển hệ thống cảng với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở.

Mạng đường bay quốc tế đến năm 2020 sẽ tăng tần suất, tăng điểm khai thác, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với khu vực. 4 khu vực trọng tâm là Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); Đông Nam Á (Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và nghiên cứu mở đường bay đến Philippines); Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Trung Đông; đường bay liên lục địa (Pháp, Đức, Anh, Nga, Mỹ và các điểm khác ở châu Âu).

Hồng Tiệp

Tin đọc nhiều