Bạn đã có tư duy tiết kiệm chưa?

09:14 | 31/10/2019

Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng bạn đã bắt đầu nghĩ tới việc tiết kiệm cho các mục tiêu lớn trong cuộc sống như kết hôn, mua nhà… hay chưa?

Tích lũy từ số tiền nhỏ
Kiểm soát rủi ro là cần thiết
ban da co tu duy tiet kiem chua
Việc tích cóp không khó, nhưng để làm được điều này thì bản thân mỗi người phải thiết lập được tư duy tiết kiệm trong suy nghĩ của mình

Hầu hết chúng ta đều không được trang bị kiến thức bài bản về tiền bạc để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đó là lý do mà nhiều bạn trẻ hiện nay thường không hình thành thói quen tiết kiệm. Đa số các bạn thường sử dụng thu nhập để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu trước, số tiền còn lại sẽ tiết kiệm. Chính tư duy “chi tiêu trước, tiết kiệm sau” khiến các bạn trẻ không chủ động nguồn tiền tiết kiệm của mình, thậm chí còn bị thâm hụt nguồn thu nhập. Vì thế, nhiều bạn sau vài năm đi làm vẫn chưa thể có được một khoản tiết kiệm.

Trường hợp này đang đúng với bạn Thanh Viên (chuyên viên truyền thông của một công ty BDS). Viên vừa tốt nghiệp đại học đã xin được vào làm ở môi trường văn phòng chuyên nghiệp. Vì thế, Viên đang bắt nhịp cuộc sống mới sau nhiều năm mài mòn tuổi xuân trên ghế nhà trường. Với Viên, mỗi tháng nhận lương, Viên phải chi trả nhiều khoản như tiền nhà, tiền xăng xe, tiền ăn uống, thỉnh thoảng còn mua sắm hay đi cafe với bạn bè. Trừ hết các khoản chi tiêu đó, thì tiền làm được và tiền để dành cũng chẳng còn dư bao nhiêu.

Bạn của Viên là Dung Trần cũng vậy. Sau khi đi du học về, Dung được nhận vào làm nhân viên văn phòng một công ty nước ngoài. Với mức lương hơn một ngàn dola mỗi tháng, nhưng cũng giống nhiều bạn trẻ khác chia sẻ khi được hỏi về thói quen chi tiêu và tiết kiệm thì Dung chẳng còn tiền dư vì chi tiêu cá nhân mỗi tháng rất nhiều.

Điều này thực ra không lạ đối với giới trẻ bây giờ. Cuộc sống năng động, hiện đại khiến nhiều bạn trẻ có thói quen mua sắm tùy hứng, đi du lịch cuối tuần khi thích và không có bất cứ kế hoạch gì cho tương lai. Chính điều này cùng với tư duy làm được bao nhiêu, xài bấy nhiêu khiến các bạn thường bị động tài chính cho các mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua xe…, thậm chí là những mục tiêu nhỏ hơn như kinh doanh, kết hôn…

Vậy làm sao để các bạn trẻ có thể cân bằng được chi tiêu và tích cóp một khoản dư nhất định trong tương lai?

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, việc tích cóp không khó, nhưng để làm được điều này thì bản thân mỗi người phải thiết lập được tư duy tiết kiệm trong suy nghĩ của mình. Sau đó, tự mỗi người sẽ biết cách lựa chọn hình thức, sản phẩm tiết kiệm phù hợp với tình hình tài chính của mình.

Một trong những giải pháp tiết kiệm hữu hiệu nhất hiện nay mà ai cũng phải công nhận đó là gửi tiết kiệm ngân hàng. Bởi việc gửi tiết kiệm, để hưởng lãi suất ưu đãi thì bắt buộc người gửi sẽ không thể rút tiền vô tội vạ khi cần. Đây chính là yếu tố then chốt giúp người chưa biết cách quản lý tài chính có thể giữ được tiền ở giai đoạn đầu tiên. Với hình thức này, người gửi tiền sẽ nhận được lợi ích nhân đôi, vì ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi vượt trội mà còn bảo toàn được số tiền tích cóp trong một thời điểm nhất định.

Có điều, các chuyên gia cho rằng để có tiền tích cóp thì trước hết người trẻ phải biết tiết chế việc chi tiêu chóng mặt như hiện tại. Và thiết nghĩ, vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ chính là không thể kiểm soát chính xác chi tiêu hàng tháng khi mà mỗi người cứ vung tay quá trán trong khi lại không thể nhớ và ghi chép tất cả các khoản chi hàng ngày.

Do đó, nếu được, mỗi người nên cân nhắc ghi chép lại các khoản thu chi hàng tháng một cách tỉ mỉ để biết được mình đang quản lý tài chính đã đúng chưa. Hay có một cách cũng khá hữu ích dành cho giới trẻ bây giờ là nên mở một thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, vừa giải quyết vấn đề tiền bạc của mình, lại có thể chủ động kiểm soát được chi tiêu trong tháng. Vì từ sao kê thẻ tín dụng được các bạn trẻ dễ dàng theo dõi những khoản ngoài kế hoạch dựa trên các thông báo giao dịch tự động gửi về điện thoại.

Nhờ vậy, mỗi người có thể thấy rõ thói quen chi tiêu của mình để từ đó cân đối lại, tiến tới việc tích cóp tiền dư mỗi tháng một cách hiệu quả nhất… Thêm một lý do vô cùng thuyết phục nữa là thẻ tín dụng mà các ngân hàng đang triển khai cho phép miễn lãi trong vòng 45 ngày và phí thường niên chỉ có vài trăm ngàn đồng mỗi năm.

Suy cho cùng, khi mức sống ngày càng cao, chi phí ngày càng tăng thì việc lên kế hoạch tiết kiệm bắt đầu từ những khoản tiền đều đặn hàng tháng vừa đơn giản, vừa thiết thực, góp phần thực hiện những mục tiêu lâu dài. Nếu thay đổi tư duy trong việc quản lý tài chính, bạn sẽ nhận ra những tác động tích cực của nó với bản thân và cuộc sống của chính mình. Do đó, hãy bắt đầu tiết kiệm ngay hôm nay, dù là một khoản tiền nhỏ, để vun đắp tài chính cho những mục tiêu lớn hơn sau này…

Quốc Thông

Tin đọc nhiều