Bán lẻ tăng tốc tạo sức hút với nhà đầu tư

16:00 | 15/08/2019

Mới đây không lâu, nhà bán lẻ của Nhật Bản Muji đã công bố thành lập Công ty TNHH Muji Việt Nam. Theo kế hoạch, văn phòng công ty này sẽ đặt tại TP.HCM và cửa hàng đầu tiên sẽ khai trương trong năm 2020. 

Trước đó, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới IKEA (Thụy Điển) cũng đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm bán lẻ và kho hàng tại Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, khi đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ cung ứng hàng cho thị trường Đông Nam Á. Không riêng gì hai thương hiệu kể trên, rất nhiều công ty tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Trong đó phải kể đến Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã đưa thương hiệu FujiMart vào Việt Nam từ năm 2018. Thông qua sự hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, Sumitomo đã có siêu thị FujiMart đầu tiên tại Hà Nội và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng kinh doanh.

ban le tang toc tao suc hut voi nha dau tu
Ảnh minh họa

Trong cuộc chiến bán lẻ tại thị trường Việt Nam, những thương hiệu đã gia nhập thị trường từ sớm cũng luôn chú trọng làm mới tên tuổi, nâng cao sự hiện diện của mình bằng cách liên tục gia tăng thêm cửa hàng, chuỗi bán lẻ như Aeon 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam bởi nhà bán lẻ này luôn coi Việt Nam là thị trường trọng điểm. Hay như, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới...

Theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, trong năm qua Việt Nam xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng khi ngành bán lẻ phát triển mạnh. Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.

Một số chuyên gia cho rằng, thời gian qua việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã khiến thị trường bùng nổ với sự tham gia ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam thì các thương hiệu đang hiện diện càng tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống.

Thực tế, đã có hàng tỷ USD vốn ngoại rót vào thị trường, hình thành cuộc đua mở chuỗi cửa hàng bán lẻ. Cùng với đó, tác động của làn sóng công nghệ 4.0 đến thị hiếu tiêu dùng buộc DN bán lẻ phải thay đổi nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tại thị trường trong nước, nhiều nhà bán lẻ nội địa như VinGroup, Saigon Co.op, Satra, Thế giới Di động... đang rốt ráo “xốc” lại hoạt động kinh doanh của DN mình nhằm giữ vững vị thế sân nhà. Cụ thể, trong năm qua VinGroup đã chi ra 1.450 tỷ đồng để mở rộng mảng bán lẻ; trong đó, tập đoàn đã chi ra 1.412 tỷ đồng để mua lại CTCP Đầu tư Nhất Nam, DN sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart. Sau khi hoàn tất việc mua lại, DN này được sáp nhập vào hệ thống công ty con của VinGroup trong từng lĩnh vực bán lẻ là Vincommerce và hệ thống siêu thị Fivimart được đổi tên hoàn toàn thành VinMart. Chưa dừng lại ở đó, VinGroup cũng đã kịp mở rộng thêm ảnh hưởng của đại gia này trên thị trường bán lẻ khi thu nhận về hệ thống 87 cửa hàng của Shop&Go.

Một tên tuổi khác của ngành bán lẻ trong nước là Saigon Co.op cũng đã ghi dấu ấn trên thị trường khi mới đây nhất, Saigon Co.op ký nhận chuyển nhượng 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên từ Auchan Reatil Việt Nam (Pháp). Đại diện Saigon Co.op cho biết Auchan đang sở hữu những vị trí đắc địa với nhiều diện tích khác nhau cùng hơn 200.000 khách hàng thành viên. Mỗi diện tích và vị trí khác nhau, công ty sẽ thay đổi bằng mô hình hệ thống siêu thị, cửa hàng tương ứng của Saigon Co.op...

Theo các chuyên gia Việt Nam là một thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn với quy mô dân số lớn hơn 96 triệu người, cơ cấu dân số trẻ 60% dân số ở độ tuổi 18-50; dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%... Chính vì vậy, trong tương lai, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều