Bảo hiểm có… chết mòn

09:35 | 18/05/2015

DN bảo hiểm đang triển khai rất nhiều sản phẩm mới với mức phí giảm gần 50%, nhưng lợi ích cho người tiêu dùng lại không bao nhiêu.

Cuộc chiến giảm phí

Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) vừa triển khai chương trình khuyến mãi “An tâm du lịch”, với mức phí giảm sâu. Cụ thể, người mua một số sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế của BIC như: chương trình A (số tiền bảo hiểm là 10.000 USD/EUR), B (20.000 USD/EUR), C (30.000 USD/EUR), D (50.000 USD/EUR), E (100.000 USD/EUR), mức phí sẽ được giảm ưu đãi từ 15-25%.

Trước đó, bảo hiểm PTI cũng thông báo giảm giá 40% khi người mua bảo hiểm ô tô, bảo hiểm nhà và bảo hiểm du lịch trong khung “giờ vàng” từ 9h00 đến 21h00. Chi tiết hơn, người mua sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô sẽ giảm 40% cho 40 xe đầu tiên và 25% cho các xe tiếp theo. Các sản phẩm bảo hiểm khác bao gồm bảo hiểm du lịch và bảo hiểm nhà tư nhân cũng giảm đồng loạt 40% cho tất cả các đơn giá bảo hiểm.

bao hiem co chet mon
Bảo hiểm đang mất đi tính hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng

Rất nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ khác như Bảo Việt, PVI, SGI… cũng đang có những chương trình giảm giá để thu hút khách hàng. Theo các DN bảo hiểm, sản phẩm tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng khi số tiền phí mua bảo hiểm giảm đến một nửa. Song xét về bản chất, các sản phẩm bảo hiểm năm nay dường như đang đi thụt lùi so với các năm trước, nên không hấp dẫn người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng (Quận 1), mỗi năm ông đều bỏ ra vài chục triệu để mua bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đến nay, khi nhìn lại những khoản tiền đóng bảo hiểm của ông, nhận thấy không có nhiều lợi ích. “DN kinh doanh lời như vậy thì lẽ ra phải góp một phần sức lực để hỗ trợ người tiêu dùng nhận bồi thường khi sự cố xảy ra... Thế nhưng, các công ty bảo hiểm chỉ muốn bán sản phẩm cho đủ doanh số, đặt cái lợi của họ lên hàng đầu mà không mấy quan tâm đến lợi ích của khách hàng. Vì vậy, vấn đề này cần phải xem xét lại”, ông Tùng chia sẻ.

Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam mua bảo hiểm không vì những tiện ích DN bảo hiểm đem lại mà phần lớn do bắt buộc. Lý do thì rất nhiều nhưng có lẽ vì câu chuyện bồi thường không cải thiện khiến người ta chán nản.

Theo số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ năm 2014 ước đạt 10.766 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 39,3% thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2013 (44,32%). Có 20/30 DN bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. Cho nên, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ năm 2014 chỉ một số DN tăng, còn lại nhiều DN bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2013. Chẳng hạn, AAA (412 tỷ đồng, giảm 21,68%), VNI (379 tỷ đồng, giảm 13,90%), Cathay (82 tỷ đồng, giảm 9,6%)…

Không còn nhiều đất diễn

Thừa nhận người tiêu dùng mua bảo hiểm phi nhân thọ thường theo một thói quen, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, trong hoàn cảnh thị trường có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn, bảo hiểm lại không có gì mới lạ nên mất dần tính hấp dẫn. Không chỉ vậy, các DN bảo hiểm còn đối mặt với những khó khăn về chi phí quản lý gia tăng. Chẳng hạn, các DN bảo hiểm phải chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 194/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 124 và Thông tư 125, liên quan đến việc theo dõi riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, theo lộ trình, việc thoái vốn ngoài ngành của một số tập đoàn cũng như thoái vốn Nhà nước của SCIC tại các công ty bảo hiểm sẽ phải hoàn tất trong năm 2015. Hiện tại, khá nhiều công ty bảo hiểm đã khởi động kế hoạch tăng vốn từ năm 2014 và có thể cố gắng hoàn tất cuối năm nay, nhằm nâng cao năng lực tài chính trước khi cơ quan Nhà nước có những điều chỉnh nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực này. Sự xáo trộn này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vì có đến hơn 70% thị phần tập trung vào các DN đầu ngành như PVI (23%), Bảo Việt (21%), Bảo Minh (10%), PJICO (7%), PTI (6%). Phần còn lại được chia sẻ bởi 24 DN nhỏ, lẻ khác.

Quan trọng hơn, doanh thu phí mặc dù tăng trưởng nhưng đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn là thu nhập từ đầu tư và tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu đối với hoạt động này. Vì vậy, phần lớn lợi nhuận đến từ khoản lãi tiền gửi (trên 60%). Việc lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm, cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các DN kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, kết quả kinh doanh trong ngành vẫn chưa thể cải thiện được bao nhiêu trong năm nay, mặc dù doanh thu phí có thể tăng trưởng.

Một lãnh đạo Công ty Bảo Việt chia sẻ, để bù đắp sụt giảm lợi nhuận từ lãi tiền gửi ngân hàng, nhiều DN sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư bên ngoài Việt Nam như thành lập công ty liên doanh, liên kết với DN bảo hiểm tại nước ngoài như Lào, Campuchia. Hoặc các DN có thể cân đối danh mục đầu tư bằng cách loại bỏ những khoản đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, điều này chưa thể hiện ngay kết quả.

Với những khó khăn hiện hữu, giới chuyên môn đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết tiếp tục duy trì chương trình mua bảo hiểm này hay Chính phủ phải có một giải pháp mang tính chiến lược hơn cho ngành bảo hiểm Việt Nam?

Bài và ảnh Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều