Bảo hiểm nhân thọ và hy vọng thay đổi nhận thức người dân

10:00 | 14/09/2018

Kể từ năm 2000, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành tạo hành lang pháp lý để ngành bảo hiểm phát triển, ngành bảo hiểm đã đạt được một số thành công nhất định, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế và công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Manulife Việt Nam lọt top 10 DN bảo hiểm nhân thọ uy tín
Giới thiệu thương hiệu bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir
Bảo hiểm Nhân thọ FWD khai trương văn phòng thứ 3 tại Việt Nam

Đến nay, ở Việt Nam hiện có 3 loại bảo hiểm chính: bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Riêng ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã hình thành và phát triển được hơn 20 năm và đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 18 DN bảo hiểm nhân thọ.

bao hiem nhan tho va hy vong thay doi nhan thuc nguoi dan

“Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ luôn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, ổn định và bền vững. Do đặc tính vừa tích lũy tiết kiệm, vừa mang tính bảo vệ rủi ro nên bảo hiểm nhân thọ thực sự trở thành giải pháp tài chính hữu hiệu cho mỗi gia đình Việt”, ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết.

Ngành bảo hiểm nhân thọ có doanh thu tăng trưởng trên 30%/năm, cung cấp hơn 7,5 triệu hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm hàng năm ước đạt trên 70.000 tỷ đồng và đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người dân với số tiền lên tới hơn 14.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng bảo hiểm nhân thọ đã tạo công ăn việc làm cho gần 10.000 người lao động trong ngành và hơn 600.000 đại lý bảo hiểm.

Đây cũng là kênh thu hút vốn nhàn rỗi từ người dân để đầu tư trở lại cho nền kinh tế, mua trái phiếu Chính phủ, đầu tư vào các quỹ phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm nhân thọ luôn tích cực tham gia vào hoạt động xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống và tham gia các hoạt động từ thiện.

Năm 2017, các DN bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 215.000 tỷ đồng.

Mặc dù hiện phần lớn người dân hiểu rõ hơn về ngành bảo hiểm, lợi ích của bảo hiểm, nhưng tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm còn rất thấp. Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2017 doanh thu phí bảo hiểm thế giới 4.962 tỷ USD, thì tổng doanh thu của cả 3 loại hình bảo hiểm ở Việt Nam chỉ đạt 5 tỷ USD, bằng 0,1% doanh thu của thế giới.

Doanh thu toàn ngành bảo hiểm Việt Nam chỉ bằng 2% GDP trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… khoảng 5 - 7% GDP. Riêng bảo hiểm nhân thọ ở các nước như Malaysia, Singgapore, 70%-80% dân số mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng ở Việt Nam mới chỉ khoảng 7% dân số đã tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Trong buổi tiếp ông Philippe Donnet - Tổng giám đốc Tập đoàn Generali, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, so với quy mô dân số gần 100 triệu người thì thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam còn khiêm tốn.

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2020 quy mô bảo hiểm phải đạt 3-4% GDP. Để đạt tỷ lệ này, còn nhiều việc phải làm. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra từ việc hoàn thiện thể chế đến công tác phát triển thị trường, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm và công tác phòng, chống rửa tiền... với kỳ vọng nhận thức của người dân về bảo hiểm sẽ ngày một tốt hơn.

Để thực hiện nhiệm vụ của mình, các DN bảo hiểm đã và đang tiếp tục tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực cũng như không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Đặc biệt là công tác giải quyết quyền lợi bảo hiểm, luôn hướng tới phục vụ khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các khách hàng.

Nhưng để người dân tham gia nhiều hơn, yếu tố quyết định vẫn là các DN bảo hiểm cho người dân thấy rõ lợi ích người dân được lợi ích thích đáng mà người tham gia bảo hiểm được hưởng, thấy được sự đóng góp tích cực của họ vào dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Linh Linh

Tin đọc nhiều