“Bệ phóng” của ngân hàng vững chắc hơn

16:00 | 07/06/2018

Việc cổ phần hóa chậm lại sẽ giúp cho bệ phóng của Agribank được xây dựng vững chắc hơn, tạo được sức bật tốt hơn trong thời gian tới.

Tàu “sáu bảy” hoạt động hiệu quả
Agribank triển khai dịch vụ tiền gửi trực tuyến trên Internet Banking
Agribank chi nhánh Nghệ An: 30 năm đồng hành cùng phát triển kinh tế của tỉnh
be phong cua ngan hang vung chac hon
Ông Trịnh Ngọc Khánh

Cổ phần hóa là một giải pháp quan trọng giúp Agribank nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định NHNN và hướng tới các thông lệ quốc tế. Vậy Agribank đã và đang thực hiện các bước chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng thực hiện phương án cổ phần hoá. Phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank Trịnh Ngọc Khánh để có thể hiểu rõ hơn về những bước đi, kỳ vọng vào sự đột phá trong hoạt động kinh doanh trên chặng đường cổ phần hoá của Agribank.

Theo ông đâu là những cơ hội cũng như thách thức đối với Agribank trên chặng đường cổ phần hoá sắp tới?

Cơ hội và thách thức luôn song hành trong hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Agribank nói riêng.

Nói về cơ hội, Agribank được thừa hưởng các bài học kinh nghiệm của những người đi trước, nên tôi tin, việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn. Agribank chắc chắn sẽ được tăng vốn tự có, con đường tăng vốn khả thi nhất hiện nay. Đồng thời, sau khi cổ phần hóa, Agribank sẽ được tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh. Khi hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính minh bạch hơn sẽ giúp củng cố niềm tin của các NĐT nhất là NĐT nước ngoài. Theo đó, khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ được mở rộng hơn.

Cơ hội là vậy, nhưng chặng đường cổ phần hoá của Agribank còn nhiều gian nan. Riêng trong năm 2018, với nhiệm vụ vừa triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa chuẩn bị cho cổ phần hóa, chắc chắn thách thức không hề nhỏ.

Thứ nhất, đó là việc hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty lớn, có nhiều lợi thế kinh doanh được nhà nước tập trung thoái vốn, khiến thị trường cổ phiếu bão hòa nguồn cung.

Thứ hai, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước cuối cùng triển khai cổ phần hóa, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài sẽ khó khăn. Trên thực tế, đã có ngân hàng cổ phần hóa trước Agribank nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược.

Thứ ba, Agribank đã từng triển khai kế hoạch cổ phần hóa, nhiều nhà tư vấn, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác. Nhưng do một vài nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan nên ngân hàng buộc phải chuyển sang tập trung tái cơ cấu. Các thỏa thuận hợp tác trước đây phải hủy bỏ cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của đối tác về tính “quyết liệt” cổ phần hóa Agribank.

Thứ tư, Agribank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng về chủng loại, hình thức sử dụng và lịch sử hình thành tài sản. Do vậy, việc xác định giá trị của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Bên cạnh đó, số lượng khách hàng của Agribank cũng đông nhất hệ thống với gần 4 triệu hộ khách hàng vay vốn, hơn 10 nghìn khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi... nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Theo Điều 15, Điều 16 Nghị định 126, việc thực hiện đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu, nợ phải trả là rất khó thực hiện.

Cuối cùng, cơ chế pháp luật về cổ phần hóa đã được hoàn thiện, bổ sung chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây, vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Agribank. Ở khía cạnh thách thức, chắc chắn thời gian định giá doanh nghiệp sẽ phải kéo dài hơn, hy vọng hưởng lợi từ cơ chế cổ phần hóa của nhà đầu tư giảm đi, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

be phong cua ngan hang vung chac hon
Agribank là ngân hàng có lượng khách hàng lớn nhất hiện nay

Ông có nghĩ Agribank đang chậm chân hơn trong cuộc lột xác cổ phần hóa của các DNNN lớn?

Agribank vừa là công cụ của Đảng và Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vừa phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Thực tế trong phân khúc này 30 năm qua, Agribank làm rất tốt và được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đánh giá rất cao. Bà con nông dân tin tưởng đến mức có khoản nợ được Nhà nước xóa rồi, nhưng khi có thu nhập người vay vẫn đem trả.

Hay ngay trong thời kỳ tái cơ cấu, thông tin xấu về Agribank hầu như ngày nào cũng có trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tiền gửi dân cư của Agribank vẫn tăng đều hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày và luôn đứng đầu hệ thống. Chính vì vậy, cổ phần hóa Agribank là một quyết định không hề dễ dàng với nhiều cấp quản lý.

Gắn bó với Agribank gần như từ ngày mới thành lập, tôi hiểu Agribank có gì, cần gì. Nên ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV, có điều kiện tôi đã nghĩ ngay tới mục tiêu cổ phần hóa ngân hàng. Cũng may là tập thể HĐTV ủng hộ thành nghị quyết để cùng nhau phấn đấu, chứ thực tình lúc đó chưa hề có chủ trương cụ thể của Nhà nước đối với cổ phần hóa Agribank.

Tôi cho rằng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa Agribank vào kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa trong năm 2019 cũng là một món quà mừng cho dấu mốc 30 năm xây dựng và trưởng thành của ngân hàng. Kể ra, giá như từ ngày 1/5/2018, Agribank hoạt động theo mô hình cổ phần rồi thì HĐTV Agribank quá giỏi dự báo và chắc sẽ vui hơn. Nhưng việc cổ phần hóa chậm lại sẽ giúp cho bệ phóng của ngân hàng được xây dựng vững chắc hơn, tạo được sức bật tốt hơn trong thời gian tới. Lúc nào tôi cũng tin Agribank không chỉ đứng vững được, mà còn có những bước đi rung chuyển của người khổng lồ.

Ông có thể tiết lộ về chiến lược sau cổ phần hóa của Agribank sẽ như thế nào?

Chúng tôi đang xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chắc cũng nằm trong chiến lược kinh doanh đã được NHNN phê duyệt. Vẫn lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn là địa bàn chiến lược, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính, tất nhiên có cải tiến và nâng cấp nhiều trong phương pháp.

Trên đoạn đường vươn tới tương lai, những chông gai và thử thách là để tôi luyện ý chí và niềm tin của con người, chứ không phải để chúng ta chùn bước.

Xin cảm ơn ông!

Agribank tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trường Đào tạo cán bộ Agribank vừa phối hợp với Văn phòng đại diện khu vực Tây Nam bộ tổ chức khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ: “Kỹ năng thẩm định và quản lý khoản vay đối với khách hàng pháp nhân” khóa I/2018. Dự lớp tập huấn có 61 học viên là cán bộ phụ trách tín dụng, kiểm tra kiểm soát nội bộ tại các Chi nhánh thuộc khu vực Tây Nam bộ.

Lớp học diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 4/6 đến hết ngày 10/6/2018). Thông qua lớp học, các học viên có điều kiện nghiên cứu sâu một số nội dung quan trọng, như: Kỹ năng thẩm định khoản vay đối với khách hàng pháp nhân; Phân tích tài chính doanh nghiệp; Nghệ thuật tiếp cận, chăm sóc khách hàng và phương pháp quản lý khoản vay đối với khách hàng pháp nhân; Những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng và đặc biệt có sự chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo các chi nhánh trong khu vực có dư nợ lớn về cho vay khách hàng DN và của Ban Pháp chế về vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng.

Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Trần Ngọc Tồn - Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Nam bộ - cho rằng các chi nhánh trong khu vực hiện còn nhiều hạn chế trong công tác cho vay khách hàng DN. Lớp học này sẽ góp phần thiết thực, cập nhật, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ các chi nhánh. Từ đó nâng cao tỷ trọng cho vay DN trên tổng dư nợ.

Tổ chức các lớp học nâng cao nghiệp vụ là việc làm thường xuyên liên tục của Agribank trong suốt thời gian qua nhằm đảm bảo có đội ngũ cán bộ có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Gần đây nhất vào cuối tháng, tại các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi đã tổ chức lớp đào tạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh và tín dụng cho cán bộ…

VC

Nhóm PV thực hiện

Tin đọc nhiều