Bộ Giáo dục và 1001 điều kiện kinh doanh

16:00 | 04/04/2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa bỏ những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà cơ quan quản lý có thể “sáng cho là đúng, chiều có thể lại bảo sai, đến mai nếu ưa thì vẫn đúng”

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh GTVT: Chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia
Bỏ nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin điện tử
Gỡ rào đầu tư trong lĩnh vực xây dựng

Tan cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối tháng 3 vừa qua, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cứ lắc đầu. Ông nói: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định ra nhiều ĐKKD không cần thiết, nhiều ĐKKD vô lý, không phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ có 241 ĐKKD, trong năm 2017 đã cắt giảm 29 ĐKKD, còn 212 ĐKKD. Nhưng Viện trưởng Cung cho rằng bộ này phải có tới cả một nghìn ĐKKD vì trong mỗi ĐKKD mà bộ liệt kê có tới hai, ba, bốn, thậm chí có tới năm ĐKKD con.

bo giao duc va 1001 dieu kien kinh doanh
Bộ phải có những thay đổi căn bản, thực chất trong việc cải cách, cắt giảm ĐKKD

“Có những ĐKKD mà trong nó có vài “ĐKKD con”, mà trong ĐKKD con còn vài “ĐKKD cháu”, bà Nguyễn Minh Thảo (Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM) cho biết.

Ví dụ, các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo sau khi được cấp phép thành lập, đầu tư xây dựng rồi, lại phải xin giấy phép hoạt động và để được hoạt động phải đáp ứng các ĐKKD khác như: Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục…. Trong ĐKKD con thứ 2, lại có tới 5 ĐKKD cháu với những quy định như: Khuôn viên của trường có tường bao ngăn cách với bên ngoài; Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em…

“Bộ này vẫn mang tư duy quản lý kém, cũ kỹ và lạc hậu áp đặt thành các ĐKKD”, ông Cung nói, đơn cử như quy định trường đại học phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên… trong khi thời đại này học hình thức học online ngày càng phát triển.

Ông Cung tỏ ra bức xúc “họ vẫn chưa chịu bỏ những ĐKKD mà cơ quan quản lý có thể sáng cho là đúng, chiều có thể lại bảo sai, đến mai nếu ưa thì vẫn đúng” vì nó chung chung, không rõ ràng, khó xác định mà người thi hành công vụ “phán” thế nào cũng đúng, như: phòng học phải đủ ánh sáng, mùa hè phải mát, ấm áp vào mùa đông… “Đủ”, “mát” được xác định như thế nào? Những điều này không cần nâng mức coi là ĐKKD mà chỉ cần quy định trong tài liệu hướng dẫn.

Những ĐKKD mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ và sẽ bỏ, theo Viện trưởng “chỉ là những thứ râu ria, kiểu rỡ bỏ loại hàng rào tre nứa, rào chắn kiên cố vẫn còn đó”.

Đã vậy lại còn có những điều kiện “rất buồn cười, không phù hợp”, bà Thảo nói, như: ĐKKD để trường tiểu học hoạt động thì phải có khối phòng học phải có khu nhà ăn, nhà nghỉ bảo đảm ĐKKD sức khỏe cho học sinh bán trú; khu vệ sinh riêng cho mỗi tầng nhà, mỗi dãy phòng học; khu bể bơi; khu thể dục thể thao có đồ chơi, thiết bị vận động cho học sinh. “Thế thì ở vùng nông thôn, miền núi, liệu có đảm bảo được ĐKKD này không?”, bà Thảo nói. Hay như ĐKKD trường trung học phải có khu sân chơi, bãi tập, có đủ thiết bị luyện tập thể dục, thể thao và bảo đảm an toàn; Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối Internet…Vậy, ở vùng nông thôn, miền núi, liệu có đảm bảo được ĐKKD này không?

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra những điều kiện khó xác định như: phải có đề án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn; Địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục an toàn cho người học, người dạy và người lao động… Những quy định loại này dễ dẫn đến trường hợp cơ quan cấp phép có thể cho là đủ để cấp phép nhưng cũng có thể cho là không… ông Hoàng Quang Phòng bình luận.

“Các quy định về ĐKKD phải hợp lý, khả thi, rõ ràng, tạo thuận lợi để thu hút được nhiều nhà đầu tư đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Đây là điều rất quan trọng cho đất nước”, ông Phòng nói.

PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nói rất nhiều về ĐKKD của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng tựu trung lại, ông nhấn mạnh 2 vấn đề, đó là phải có áp lực để bộ dũng cảm và quyết tâm bỏ đi những ĐKKD không hợp lý, không đáng có đồng thời phải có tư duy xây mới, nếu chỉ cắt giảm, tháo gỡ có nghĩa là vẫn muốn giữ hệ thống cũ lạc hậu và việc cắt giảm, tháo gỡ khó khăn chỉ là làm cho hệ thống cũ đó tốt hơn với chính nó mà thôi, trong khi cần đổi mới, sáng tạo. “Bộ phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, có những thay đổi căn bản, thực chất trong việc cải cách, cắt giảm ĐKKD” – các chuyên gia nhấn mạnh.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều