Gia tăng sức bật cho kinh tế cảng | |
Loay hoay cổ phần hoá cảng biển |
Cộng đồng DN đang kịch liệt phản đối và đồng loạt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng thực hiện Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) thực hiện từ 1/1/2017.
Quy định mới của Hải Phòng về phí hạ tầng cảng biển là thêm phí mới chồng chéo với nhiều loại phí khác mà DN đang phải trả |
Để rõ vì sao nghị quyết này bị phản đối kịch liệt, Thời báo Ngân hàng dẫn đăng ý kiến của các hiệp hội và cơ quan nghiên cứu.
TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Hải Phòng chỉ xét tới lợi ích ngân sách địa phương, bỏ qua lợi ích của DN
Quy định mới của Hải Phòng về phí hạ tầng cảng biển là thêm phí mới chồng chéo với nhiều loại phí khác mà DN đang phải trả như phí nâng hạ container, xếp dỡ, lưu kho, bảo trì đường bộ, cầu đường…
Mức phí áp đặt quá cao, tốn kém thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Không có căn cứ khi đưa ra các mức phí hạ tầng khác nhau. Nghị quyết ra ngày 13/12/2016 và hiệu lực thực hiện thu phí từ 1/1/2017 khiến DN không kịp điều chỉnh kế hoạch.
Việc yêu cầu DN phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển là trái với quy định hiện hành về thủ tục hải quan khiến Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng không được yêu cầu DN nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan.
Từ những vấn đề trên cho thấy sự tuỳ ý trong việc ra quyết định của Hải Phòng, chỉ xét tới lợi ích của ngân sách địa phương, bỏ qua lợi ích của DN và đang đi ngược với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển của Chính phủ, làm giảm sức cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến chủ trương, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà Chính phủ đang thúc đẩy.
Nghị quyết này gây bức xúc cho cộng đồng DN, gây bất ổn cho tâm lý và niềm tin về môi trường kinh doanh. Cần bãi bỏ ngay quy định này.
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Đây là “bước lùi” của chính sách
Nghị quyết 148 của Hải Phòng đang gây nhiều quan ngại về tính nhất quán trong chính sách phát triển DN mà Chính phủ đang hướng đến.
Nghị quyết này đã thêm mức phí hoàn toàn mới, thủ tục mới làm gia tăng chi phí kinh doanh của DN, gia tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các DN phải thực hiện thêm thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới, DN phải đến điểm thu phí, nhận tờ khai, kê khai và nộp tiền...
So với hiện hành, mức phí Hải Phòng mới đưa ra tăng đến gần 70%, có loại phí tăng 200% và dường như các mức phí không phù hợp với nguyên tắc xác định mức phí theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Chính phủ đang thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hải quan để đảm bảo hoạt động thông quan nhanh chóng và thuận lợi, thì việc ra Nghị quyết 148 của Hải Phòng là “bước lùi” của chính sách, đi ngược lại tinh thần cải cách mà Chính phủ đang xây dựng và hướng đến.
VCCI lo ngại việc hành động này của Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và sân bay đặt ra các loại phí mới gây bất lợi cho DN.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam: Kiến nghị Thủ tướng cho dừng áp dụng quy định này
Các chi phí liên quan DN xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng đã rất cao so với các nước trong khu vực. Nghị quyết của Hải Phòng đã thêm gánh nặng mới về phí trong khi DN đang phải chịu rất nhiều loại phí khác: phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển… nhiều loại cũng đang tăng nhanh như phí BOT.
Với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới của Hải Phòng, một số DN sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, lượng xuất khẩu từ 150 – 400 container (40ft)/tháng/DN thì mỗi DN sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm.
Trong điều kiện tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn như hiện nay, việc TPP không được thực hiện đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN thì việc thêm phí mới của Hải Phòng đã tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của các DN và làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, đẩy các DN vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đơn hàng giảm sút, mất khách hàng, mất thị trường…
Việc ra nghị quyết này có thể xem là hành động đi ngược lại với nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, xóa bỏ các giấy phép con, cải cách hành chính, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, và đang làm mất lòng tin của DN, gây nhiều tác động bất lợi đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho dừng áp dụng quy định này.
Ông Đào Huy Giám – Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF): Đây là quy định bất hợp lý, có dấu hiệu tận thu, nguy cơ tạo tiền lệ xấu
VPSF đã nhận được ý kiến phản đối đồng loạt của các hiệp hội DN trong nước, Hiệp hội DN Nhật Bản cùng rất nhiều DN trong và ngoài nước về quy định phí cảng biển mới của Hải Phòng.
Nghị quyết này không tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản QPPL, lại rất bất hợp lý, vi phạm cam kết với WTO, vi phạm điều 3 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và hàng loạt các hiệp định thương mại song phương khác.
DN đã chịu nhiều loại phí tại khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng: phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh Container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY monitor, phí Seal charge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng Container, phí Ex doc…
Thêm quy định tại Nghị quyết 148 là phí chồng phí, thêm gánh nặng phí vô cùng lớn cho DN. Mức phí mới quá cao, có dấu hiệu lạm thu trái với quy định của pháp luật hiện hành về phí, lệ phí và không chứng minh được nguyên tắc thu phí để "cơ bản bù đắp chi phí", lại phân biệt đối xử nghiêm trọng giữa hàng hóa thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hóa chuyển cảnh, quá cạnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan...
Hàng nghìn DN trong và ngoài nước đều bị động với quy định này và không kịp đàm phán lại toàn bộ các họp đồng kinh doanh đã ký kết cho 2017 và tính toán lại phương án kinh doanh.
Cộng đồng DN đã phản ứng rất mạnh mẽ nghị quyết này. Đáng lo hơn, liệu Hải Phòng sẽ mở đầu cho hàng loạt địa phương khác ban hành thêm phí để tăng thu bù chi? Nghị quyết này làm sụt giảm niềm tin của DN và các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đi ngược hoàn toàn quan điểm về Chính phủ kiến tạo và những chủ trương hỗ trợ DN mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực thực hiện hoặc tuyên bố trong thời gian qua.
Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng thực hiện nghị quyết này.
Nhóm PV kinh tế thực hiện