Các chủ khu công nghiệp sẽ bung vốn

09:54 | 25/09/2017

Đến thời điểm hiện nay, ít nhất đã có 4 DN được xem là các “ông trùm” trong lĩnh vực cho thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) công khai việc bán vốn và xúc tiến quá trình cổ phần hóa. 

Nhân tố tích cực cho thị trường
Góp phần hoàn thiện bức tranh chứng khoán Việt
Thúc đẩy nhanh niêm yết

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) mới đây đã thông báo đấu giá hơn 55,3 triệu cổ phần công khai, đồng thời chào bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chấp nhận làm đại lý cho IDICO để DN này tiến hành bán vốn. Nếu việc mua bán diễn ra suôn sẻ, dự kiến đến cuối 2018, Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần tại IDICO.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, ít nhất đã có 4 DN được xem là các “ông trùm” trong lĩnh vực cho thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) công khai việc bán vốn và xúc tiến quá trình cổ phần hóa. Bởi trước IDICO, đầu tháng 9/2017 Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng đã thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) với 2 mã chứng khoán rất được săn đón là SNZ và TID.

Trong khi đó, tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Becamex IDC. Theo kế hoạch, Becamex IDC sẽ được bán công khai 311 triệu cổ phiếu (23,63%) đồng thời bán 329 triệu cổ phiếu (25%) cho cổ đông chiến lược trong thời gian tới.

cac chu khu cong nghiep se bung von
Một dự án xử lý nước thải của Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai)

Ghi nhận trên thị trường cho thấy rằng việc đồng loạt cả 4 DN hàng đầu trong lĩnh vực cho thuê đất KCN lên kế hoạch bung vốn tất yếu sẽ khiến cho thị trường chứng khoán nhóm ngành hạ tầng KCN sẽ trở nên vô cùng sôi động. Bởi nguồn vốn và nguồn đất đai các KCN mà nhóm DN này đang sở hữu là vô cùng lớn.

Hiện Tổng công ty Tín Nghĩa sở hữu 3.500 ha đất KCN tại Đồng Nai và Vũng Tàu. Trong khi đó, Sonadezi sở hữu 11 KCN trọng điểm, chiếm xấp xỉ 33% diện tích đất công nghiệp tại Đồng Nai. Becamex IDC cũng không hề kém cạnh khi sở hữu 18.500 ha đất KCN tại Bình Dương và sở hữu 4.200 ha đất của Khu Liên hợp thành phố mới. Riêng IDICO thì không cần bàn cãi, bởi chỉ tính riêng đất KCN, DN này đã sở hữu khoảng 5.000 ha với tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, họ cũng đang thực đầu tư 7 dự án BOT giao thông và 4 dự án thủy điện trọng điểm trên phạm cả nước với số vốn gần 20.000 tỷ đồng nữa.

Đánh giá về sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới của thị trường cho thuê hạ tầng KCN hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra khuyến nghị khả quan. Bởi tính đến hết quý II/2017, đa số các DN cho thuê KCN có sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận. Do doanh thu từ việc cho thuê đất KCN tăng 2 - 5 USD/m2 so với quý IV/2016 nên mức tăng trưởng về giá cổ phiếu bình quân của các DN niêm yết nhóm này cũng tăng mạnh ở mức 25,2%.

Hiện nay, trước thông tin nhập cuộc của các DN lớn ngành hạ tầng KCN như Becamex IDC, IDICO, Sonadezi và Tín Nghĩa, giới quan sát cho rằng giá các cổ phiếu nhóm này vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng mạnh nhưng sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm các DN có giá cổ phiếu tăng trưởng cao như: CTCP Khu công nghiệp cao su Bình Long (MH3) tăng 55%; CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) tăng 38%… với các DN lớn sắp sửa “bung hàng”.

Và mặc dù khá thận trọng với việc giữ lại trên 51% vốn Nhà nước ở nhóm các DN lớn như Becamex IDC và IDICO nhưng động thái nhận tiền cọc của 3 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược mới đây (22/9) của IDICO đã bắt đầu báo hiệu rằng sân chơi tài chính lĩnh vực hạ tầng KCN đang bước vào thời kỳ có nhiều diễn biến mới và mở ra kỳ vọng khả quan cho hàng loạt kế hoạch thu hút vốn nội – ngoại vào các khu chế xuất, KCN tại hầu hết các địa phương.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều