Cách nào chống chuyển giá

09:15 | 11/05/2015

Hàng ngàn DN FDI đang báo lỗ liên tiếp đặt ra yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả hơn với các hành vi chuyển giá.

Trong những tuần gần đây, vụ việc Tập đoàn Metro Cash & Carry Việt Nam bị phát hiện chuyển giá, trốn thuế đồng thời bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu 507 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao chỉ đến khi Metro chuẩn bị rời Việt Nam sau 12 năm khai lỗ thì cơ quan thuế mới phát hiện và rốt ráo vào cuộc thanh tra. Liệu có phải các văn bản pháp lý về thuế đang có nhiều lỗ hổng hay còn có những bất cập nào khác trong hoạt động điều tra các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá?

cach nao chong chuyen gia
Metro Cash & Carry Việt Nam chỉ bị truy thu hơn 500 tỷ đồng tiền thuế chứ không phải nộp phạt

Bị động từ đầu đến cuối

Theo Luật sư Vũ Ngọc Dung, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt, hiện nay mặc dù các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực chuyển giá được cho là khá đầy đủ nhưng vẫn đang có quá nhiều bất cập.

Kẽ hở dễ thấy nhất là ngay trong giai đoạn đầu tiến hành các thủ tục đầu tư, Việt Nam chưa có một quy định thống nhất để kiểm tra và nắm bắt nguy cơ của các DN FDI có khả năng chuyển giá. Cụ thể, trong Luật Đầu tư hiện nay chưa có quy định bắt buộc các DN FDI phải được điều tra về các nguy cơ có thể dẫn tới hành vi chuyển giá. Khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì đơn vị cấp phép cũng chưa làm rõ được các mối quan hệ giữa DN con tại Việt Nam với DN mẹ tại nước ngoài. Điều này dẫn tới sự bị động trong khi quản lý về hoạt động mua bán nội bộ giữa các DN FDI cùng tập đoàn từ đó bỏ qua những cơ hội phát hiện hành vi chuyển giá, gian lận về giá của DN.

Cũng theo ông Dung, hiện nay tại Việt Nam chưa có một cơ quan nào đứng ra chuyên trách về việc xác định mức giá thị trường của một sản phẩm vì thế không có căn cứ nào để biết DN FDI có thực hiện hành vi chuyển giá hay không. Thêm vào đó, hiện nay cơ quan thuế là nơi tiếp nhận báo cáo tài chính của DN FDI nhưng lại không có chức năng điều tra về thuế. Vì vậy nếu muốn điều tra các trường hợp chuyển giá thì phải phối hợp với các đơn vị khác như công an, hải quan… Tuy nhiên, việc phối hợp này tại Việt Nam hiện đang hết sức lỏng lẻo và mất nhiều thời gian, gây nên sự chậm trễ. Các DN FDI lợi dụng khoảng trống này để thực hiện hành vi chuyển giá nhằm “trốn” được càng lâu càng tốt các khoản thuế phải đóng để tạo ra lợi nhuận.

Ngoài ra, đứng từ phía DN có giao dịch liên kết với các DN FDI, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PWC Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu chung, công khai để các cơ quan thuế và DN cùng tham chiếu để phân tích giá thị trường. Ngành Công Thương cũng chưa hình thành được các sàn giao dịch hàng hóa lớn để làm căn cứ so sánh giá với các thị trường nước ngoài nên việc xác định giá thị trường với các giao dịch liên kết là rất khó khăn.

Tăng phòng ngừa và tăng mức phạt

Theo ông Đặng Đức Sơn, Chủ tịch Viện quản trị tài chính DN (AFC), hành vi chuyển giá là thông lệ phổ biến. Nó tồn tại như một phần của hoạt động kinh doanh và hiện nay khoảng 60% giá trị hàng hóa chuyển dịch trên phạm vi quốc tế là nằm trong khu vực chuyển giá giữa các tập đoàn kinh tế lớn. Chính vì thế, không quốc gia nào có thể ngăn chặn hành vi chuyển giá được mà chỉ có thể dùng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và có chế tài xử lý phù hợp khi phát hiện DN vi phạm về chuyển giá.

Ông Sơn cho rằng, thay vì ngăn chặn hành vi chuyển giá, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm đến việc làm thế nào để tạo ra cơ chế tốt nhất cho các DN đảm bảo rằng thay vì thực hiện hành vi chuyển giá thì các DN FDI vẫn có được một khoản lợi ích tương đương nếu tuân thủ các quy định ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ tài chính.

Trong khi đó, đứng về phía ngành thuế, đại diện một đại lý khai thuế tại quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để kiểm soát hiệu quả hành vi chuyển giá của các DN FDI, các cơ quan thuế cần chú trọng vào 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Theo đó, thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá phải được quy định dài hơn so với thời hạn thanh tra thông thường, cơ quan thuế phải được bổ sung quyền điều tra để có thể thu thập thông tin xử lý đối với các DN cố tình chuyển giá.

Song song đó, cũng cần bổ sung quy định về vốn mỏng, vì có một số DN kê khai số lỗ lớn và lỗ liên tục để vay vốn của các công ty mẹ và các bên liên kết để hoạt động, từ đó, các DN này tiếp tục hạch toán khoản lãi vay vào chi phí để trốn thuế. Thứ hai, cần sớm kiện toàn bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; bổ sung các thông tin cơ bản và thông tin bổ trợ để phục vụ cho quản lý giá chuyển nhượng.

Ở góc độ chế tài, xử phạt các DN vi phạm chuyển giá, ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay ở Việt Nam khi cơ quan thuế phát hiện được các DN vi phạm về chuyển giá thì mới chỉ thực hiện truy thu số tiền thuế đáng ra DN phải nộp chứ chưa có mức phạt cụ thể.

Theo bà Giang, hiện nay tại Trung Quốc, các DN FDI nếu bị phát hiện chuyển giá ngoài việc bị truy thu gấp 3 lần số tiền thuế mà DN trốn nộp thì các DN cũng phải nộp thêm lãi NH đối với số thuế nợ với mức lãi suất 0,05%/ngày (tương đương với 20%/năm). Tại Malaysia mức phạt cũng được quy định từ 100-300% so với số thuế DN trốn nộp. Do vậy Việt Nam cũng nên áp dụng một mức phạt thuế đối với các DN FDI khi phát hiện có hiện tượng chuyển giá để đảm bảo công bằng với các DN trong nước.

Thuế thu nhập doanh nghiêp tại Việt Nam cao hơn khu vực

Năm 2009, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiêp (TNDN) của Việt Nam là 25%, thấp hơn mức bình quân của châu Á (25,73%) và thế giới (25,38%). Tuy nhiên, đến năm 2013 mức thuế TNDN của Việt Nam đã cao hơn so với mức trung bình toàn châu Á (22,49%) cũng như trên thế giới (24,08%). Từ đầu năm 2014, thuế TNDN phổ thông tại Việt Nam được giảm từ 25% xuống còn 22%. Tuy nhiên mức này vẫn là mức cao so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, thuế TNDN tại Singapore hiện ở mức 17%, mức thuế TNDN tại Hong Kong chỉ khoảng 15%... Việc áp dụng mức thuế suất TNDN cao là một trong những nguyên nhân tạo ra kẽ hở để các DN FDI thực hiện chuyển giá bằng cách chuyển toàn bộ lợi nhuận vào công ty mẹ và các DN trong cùng hệ thống.

Bài và ảnh Thạch Bình

Tin đọc nhiều