Cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện phải đi đôi với giám sát

17:00 | 02/01/2019

Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành cần thực hiện nhiều giải pháp “cởi trói” cho DN, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. 

Công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ lĩnh vực cấp phép ngân hàng
Cần tháo gỡ những nút thắt

Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, một số bộ, ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh, cắt bỏ những điều kiện kinh doanh được cho là gây khó cho DN và đã đạt hiệu quả tích cực. Các bộ ngành đã đạt kết quả cao về cắt giảm điều kiện kinh doanh như Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường…

cai cach thu tuc hanh chinh thuc hien phai di doi voi giam sat
Ảnh minh họa

Theo đại diện Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến đầu tháng 10/2018, Bộ đã rà soát cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 888 thủ tục hành chính. Tính đến tháng 10/2018, bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính còn lại 987 thủ tục.

Mới đây, bộ tiếp tục ban hành Quyết định 2141/QĐ-BTC phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính trong đó rà soát cắt giảm 148 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực…

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, năm 2019, cải cách thủ tục hành chính sẽ là trọng tâm điều hành của Chính phủ. T

heo đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử; thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng… Năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Mặc dù các nỗ lực về cắt giảm các thủ tục hành chính được đánh giá cao nhưng thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng của DN. Theo đó, nhiều thủ tục chậm được cải cách, chất lượng cắt, giảm các điều kiện kinh doanh thực chất chưa đạt yêu cầu cắt giảm 50% theo Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, các DN đều ghi nhận những nỗ lực cải cách của Chính phủ về cải cách hành chính. Nhưng những vướng mắc vẫn còn nhiều khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và phát triển.

Theo khảo sát của VCCI, tính đến cuối năm 2018, vẫn có đến 58% DN phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% DN trong số đó cho biết gặp khó khăn khi xin giấy phép.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, trong năm 2018, đa số các bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh và được Chính phủ thông qua. Trong đó, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ, rút ngắn yêu cầu về thời gian.

Tuy nhiên, theo cảm nhận và đánh giá của Hiệp hội, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực tiễn triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Rất nhiều DN còn gặp các vướng mắc về các thủ tục như thuế, hải quan… Nhiều quy định còn chồng chéo, phức tạp, không cần thiết làm gia tăng chi phí của DN. Với hàng loạt thủ tục bủa vây sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh.

Theo phản ánh của nhiều DN, nhiều vấn đề cải cách thủ tục hành chính như cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh cho đến nay vẫn còn quá nhiều, không rõ ràng cụ thể và không hợp lý gây khó khăn cho DN. Theo đó một số điều kiện kinh doanh vẫn còn chồng chéo, khi triển khai vào thực tế các DN chịu chi phí rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, không ít các cơ quan chức năng có những cán bộ, công chức lạm quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho DN.

Do đó, để việc thực hiện cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh được thuận lợi thì cần phải có cơ chế giám sát việc thực thi. Các bộ, ngành khi có đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thì cũng cần phải kèm theo đó là cơ chế đánh giá giám sát việc thực hiện, để đảm bảo rằng cải cách trên văn bản và thực tế có sự đồng nhất, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của DN. Đảm bảo sự thay đổi thực chất và DN thực sự là đối tượng được hưởng lợi từ quy định này của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, cắt giảm các thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển DN. Do đó Hiệp hội DNNVV mong muốn các bộ, ngành quan tâm nhiều hơn nữa để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DNNVV và thực hiện thắng lợi mục tiêu có 1 triệu DN đến năm 2020.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều