Cam go cuộc chiến ứng dụng gọi xe

09:57 | 12/04/2019

Việc có nhiều ứng dụng tham gia thị trường sẽ tạo ra cạnh tranh về chất lượng phục vụ, người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, tránh được các yếu tố độc quyền.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đồng ý đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho phép 2 ứng dụng gọi xe GoCar (Công ty TNHH thương mại công nghệ GoViet) và FastGo (Công ty CP FastGo Việt Nam) được phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách trên địa bàn TP. HCM.

cam go cuoc chien ung dung goi xe
Ảnh minh họa

Giữa năm 2018, ngay sau khi Uber rời thị trường Việt Nam, Grab đã mặc sức “làm mưa làm gió” trên thị trường xe công nghệ. Và không lâu sau đó, hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt liên tiếp ra đời, song chỉ đến khi Go Viet xuất hiện, thì Grab mới có đối thủ đáng gờm. Cuộc đua giữa 2 doanh nghiệp đang ngày càng khốc liệt.

Cũng sau đó, hàng loạt ứng dụng mới đã xuất hiện. Ứng dụng gây sốt thời gian gần đây là Be, ở cả dịch vụ xe 2 bánh và 4 bánh. Be đặt mục tiêu sẽ có mặt ở 15 tỉnh, thành phố trong năm nay và đến 2020 sẽ hiện diện tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Tương tự, ứng dụng Aber do một nhóm những người Việt trẻ ở thế hệ 8X, 9X sáng lập dựa trên nền tảng công nghệ của Đức. So về mặt dịch vụ, Aber thậm chí còn đa dạng hơn cả các hãng khác khi cung cấp tới 6 dịch vụ vận chuyển, gồm: Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe doanh nghiệp) và Aber Express (dịch vụ giao hàng). Đến thời điểm hiện nay, TP.HCM đã có 8 DN tham gia kinh doanh ứng dụng gọi xe.

Sở GT-VT TP. HCM cho rằng, hiện nay khung pháp lý để quản lý hoạt động này vẫn chưa rõ ràng. Bộ GT-VT mới cho một số đơn vị được thí điểm như Grab, Mai Linh Car, V-Car, Go-Car... Những đơn vị còn lại như Aber, Be, Vato… chưa được chấp thuận việc thí điểm, nhưng vẫn đang hoạt động.

Theo đại diện các hãng, để có thể gia nhập cuộc chơi, phải chuẩn bị kỹ càng cho nhiều tính năng khác nhau, phù hợp với địa lý và tâm lý khách hàng. Đơn cử, phải có mức tính giá khác nhau ở từng địa phương, kết nối được tất cả các phương tiện vận tải với nhau, tài xế được đào tạo, qua sát hạch để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Nhờ có sự tham gia sôi động của nhiều hãng xe mà người dân có thêm lựa chọn. Không chỉ khách hàng, mà ngay cả lái xe cũng mong muốn có thêm các ứng dụng mới để không bị chèn ép. Một lái xe là đối tác của Grab cũng có thể trở thành đối tác của Be, GoViet hay Aber, FastGo… Nếu tỷ lệ đặt xe thấp, họ sẵn sàng “khóa” ứng dụng này và bật ứng dụng khác. Việc có nhiều ứng dụng tham gia thị trường sẽ tạo ra cạnh tranh về chất lượng phục vụ, người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, tránh được các yếu tố độc quyền.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, ôtô con được xem là bùng phát từ khi xuất hiện các loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như Grab, Uber... Việc này kéo theo áp lực giao thông gia tăng do cơ sở hạ tầng tại thành phố còn hạn chế.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều