Cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang châu Phi

11:00 | 22/11/2019

Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất, nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng phương thức thanh toán theo hình thức L/C

Tìm hiểu về ưu đãi phí dịch vụ thanh toán L/C

Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi có những bước phát triển đáng ghi nhận và là điểm sáng trong các quan hệ thương mại song phương. Tổng kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 với các thị trường này đạt 20,5 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Phi đạt gần 6 tỷ USD. Đây là hai thị trường còn nhiều tiềm năng để DN Việt Nam mở rộng hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại, thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết trong nhiều lĩnh vực.

can can trong khi xuat khau sang chau phi
Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất, nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng phương thức thanh toán theo hình thức L/C

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù nhiều tiềm năng nhưng đây lại là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Mới đây nhất, đầu tháng 11/2019, thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phải lên tiếng cảnh báo các DN xuất khẩu sang thị trường này phải cẩn trọng hơn trong các giao dịch.

Cụ thể, tên và địa chỉ 5 DN tại Algeria hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, thủy sản đã được nêu đích danh vì làm ăn thiếu nghiêm túc và thường xuyên dùng thủ đoạn ép giá hoặc không nhận hàng khi hàng đến cảng, điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đó là các DN như Công ty S.A.R.L Zima Food; Công ty EURL GHIDA UNIFOR IMPORT-EXPORT; Công ty S.A.R.L GMC; Công ty S.a.r.l Conimex International; Công ty S.A.R.L EL NADER NEGOCE.

Tương tự, thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc cho biết, có nhiều công ty ma ở nước này với các mánh khóe lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty xuất khẩu Việt Nam. Cùng với đó, là một số công ty của Benin cũng cần đề phòng như Weastlinear Holding, Festival Home Incoperated, Mabic Import Sarl, Benin Import Development Agency, Global Link SARL Benin…

Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp ở các nước như khu vực Tây Phi như Nigeria, Cameroon, Togo, Ghana, Sierra Leone, Chad và Liberia cũng được đưa vào diện cảnh báo. Điều này cho thấy rủi ro mà các DN xuất khẩu Việt Nam gặp phải tại châu Phi là rất lớn.

Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, rủi ro mà DN thường gặp phải đó là rủi ro trong thanh toán là do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông và châu Phi không có thói quen mở Thư tín dụng L/C. Bên cạnh đó, nhiều DN đối tác ở thị trường Trung Đông thường xuyên đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng, nhưng mọi chi phí thay đổi này hoàn toàn phía các DN Việt Nam phải gánh chịu. Theo đó nhiều DN xuất nhập khẩu Việt Nam vì muốn mua, bán được hàng giá rẻ đã không cảnh giác, nhiều trường hợp bị "dính bẫy" trong thời gian gần đây.

Theo Bộ Công thương, khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở Thư tín dụng L/C (do chi phí cao). Đây là phương thức thanh toán không an toàn gây bất lợi cho các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc xử lý rủi ro đối với các DN còn gặp khó khăn. Việc giao dịch giữa các DN thường diễn ra trên mạng, nhiều DN Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin về đối tác. Chính vì vậy rất dễ bị sập bẫy các đối tượng lừa đảo, thậm chí là các trang web giả mạo và những công ty ma.

Bởi vậy, Bộ Công thương khuyến nghị DN cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về các đối tác, thị trường, chính sách xuất khẩu, cùng với đó tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm chuyên ngành… Đặc biệt, các DN cũng cần cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn. Trong quá trình đàm phán thực hiện hợp đồng, DN cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ tránh trường hợp bị đối tác ép giá. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất, nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng phương thức thanh toán theo hình thức L/C không hủy ngang có xác nhận và đề nghị khách hàng trả trước ít nhất nhất 40-50% giá trị lô hàng.

Có thể thấy, xuất khẩu sang thị trường khu vực Trung Đông - châu Phi luôn rất tiềm năng. Châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2019. Bởi vậy các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và làm ăn với các đối tác tại châu Phi. Tuy nhiên, để khắc phục những sự khác biệt và tránh rủi ro, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các nước, các DN Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Từ đó phát huy thế mạnh của mình trong việc chinh phục thị trường nhiều tiềm năng này.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều