Cần những phán quyết công minh

10:52 | 17/06/2019

Việc chính quyền thành phố chưa có hướng giải quyết dứt điểm những bất cập trong lộ trình giải tỏa các hộ dân cũng như công tác quy hoạch, đã khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp.

Giải quyết không thông suốt

Câu chuyện xung quanh việc di dời hay không di dời Công ty cổ phần Thép Dana - Ý, (đường 11B, Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vì những ảnh hưởng đến người dân xung quanh đã khiến dư luận ở địa phương quan tâm. Sự việc cũng đã được nhiều cơ quan truyền thông phản ánh. Thế nhưng, những quyết định bất cập, giải quyết không rốt ráo của các cơ quan chức năng đã và đang để lại những hậu quả cần sớm được khắc phục. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Thép Dana - Ý đã phải có đơn gửi đến TAND TP. Đà Nẵng yêu cầu khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Đồng thời, yêu cầu bồi thường số tiền 400 tỷ đồng do chính quyền địa phương đã có quyết định buộc dừng sản xuất gây thiệt hại cho DN.

can nhung phan quyet cong minh
Quyết định buộc dừng sản xuất gây thiệt hại cho DN

Các cơ quan chức năng cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án Nhà máy thép Dana - Ý hoạt động tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đồng thời thống nhất chủ trương di dời các hộ dân cạnh cụm công nghiệp này để tạo vành đai phân cách với khu dân cư cho phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tối thiểu cách 500m đối với nhà máy thép theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4449:1987. Chủ trương này đã được rất nhiều DN lẫn người dân ủng hộ.

Thời điểm công ty thép này chuyển lên Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xung quanh khu vực nhà máy chỉ có khoảng 30 hộ dân. Tuy nhiên, việc thực hiện giải tỏa, đền bù của thành phố lại không thông suốt, “treo” hàng chục năm. Dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân ở khu vực xung quanh nhà máy. Không những không di dời, mà số hộ dân sống xung quanh khu vực nhà máy ngày càng tăng cao, lên đến 400 hộ dân. Điều này, khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp. Mâu thuẫn giữa người dân và hoạt động của DN ngày càng thêm căng thẳng, do liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Không ít người dân ở trong khu vực đã bao vây, tụ tập trước cổng Nhà máy Thép Dana - Ý gây áp lực yêu cầu ngừng sản xuất.

Đến ngày 2/3/2018, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký Công văn 1446 buộc công ty ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất do gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, UBND TP. Đà Nẵng lại có thông báo số 30 cho phép nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thông báo này cũng có những nội dung hạn chế hoạt động sản xuất của công ty như: đề nghị không thực hiện mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua bán nguyên liệu là phế liệu để sản xuất thép… Sau đó, các cơ quan chức năng của thành phố còn tiến hành 2 kỳ kiểm tra, thực hiện quan trắc môi trường.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn không đưa ra được chủ trương cụ thể là, di dời nhà máy hay di dời các hộ dân. Mập mờ, thiếu rõ ràng nên người dân lại bao vây nhà máy, quyết không cho công ty này hoạt động. Đến ngày 22/11/2018, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký Quyết định 5585 xử phạt Nhà máy Thép Dana - Ý tổng số tiền 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng.

Yêu cầu bồi thường

Như đã nói ở trên, bức xúc trước những thiệt hại do ngừng sản xuất, mới đây Công ty cổ phần Thép Dana - Ý đã phải có đơn gửi đến TAND TP. Đà Nẵng yêu cầu khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Theo nội dung đơn, Thép Dana - Ý khởi kiện 4 công văn, quyết định của UBND TP. Đà Nẵng đối với DN này gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của UBND TP. Đà Nẵng; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP. Đà Nẵng; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585 ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND Đà Nẵng (người ký các công văn, thông báo và quyết định trên là ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) và hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018 đến nay của Chủ tịch UBND thành phố. Trong đơn khởi kiện, DN này còn yêu cầ̀u được bồi thường từ những thiệt hại phải gánh chịu do các quyết định của UBND TP. Đà Nẵng với số tiền lên đến 400 tỷ đồng.

Có thể nói, việc chính quyền thành phố chưa có hướng giải quyết dứt điểm những bất cập trong lộ trình giải tỏa các hộ dân cũng như công tác quy hoạch, đã khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp. Trong khi, việc dừng sản xuất của công ty ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Được biết, về phía các cơ quan chức năng ở địa phương, cũng đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý khi phiên tòa diễn ra. Trước đó, chính quyền thành phố đã tính toán tất cả tình huống xảy ra, kể cả việc DN đâm đơn kiện UBND TP. Đà Nẵng.

Thực tế, theo nhiều người cái sai trong câu chuyện nhà máy thép này bắt đầu từ việc quy hoạch không đảm bảo cách ly an toàn trong khu dân cư, hay nói cụ thể hơn là việc chọn vị trí để đặt nhà máy. Khi nảy sinh những bất cập, giữa chính quyền và DN lại không tìm được tiếng nói chung. Mới đây nhất, trong buổi tiếp xúc với cử tri ở quận Thanh Khê, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, giữa chính quyền thành phố và Công ty cổ phần Thép Dana - Ý đã có nhiều buổi hòa giải, trao đổi nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất, chưa có tiếng nói chung. Cũng theo ông Thơ, việc đưa nhau ra tòa khi cả hai bên không thống nhất cũng thể hiện sự văn minh.

Bài và ảnh Hoàng Lượng

Tin đọc nhiều