Cần thị trường năng lượng cạnh tranh hơn

09:47 | 30/01/2019

Chúng ta cần phát triển và tăng trưởng, nhưng chúng ta cũng cần theo hướng xanh và sạch hơn. Đây là những nhìn nhận được ông John Kerry - Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie chia sẻ với báo giới trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây.

Nhà băng đổ vốn vào liên kết sản xuất điện
Hé cửa cho người dân bán điện mặt trời
can thi truong nang luong canh tranh hon
Ông John Kerry

Là người dành nhiều quan tâm cho lĩnh vực năng lượng, ông nhìn nhận thế nào về nhu cầu phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch (NLS)?

Kỷ nguyên than sẽ không kết thúc vì chúng ta không còn than, kỷ nguyên năng lượng hóa thạch không kết thúc vì đã hết năng lượng hóa thạch mà nó sẽ kết thúc bởi chúng ta đã tìm ra những giải pháp tốt hơn để vẫn đáp ứng được nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế, nhưng theo hướng xanh và bền vững hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tức là, chúng ta không nhất thiết phải là những “tù nhân” lệ thuộc vào than, vào năng lượng hóa thạch để đưa chúng ta đến một tương lai không tươi sáng, với đời sống, sức khỏe của mọi người bị ảnh hưởng, năng suất giảm sút…

Ông nhìn nhận tiềm năng của Việt Nam nói riêng trong phát triển các nguồn năng lượng này?

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội lớn vì có các nguồn năng lượng đa dạng, từ năng lượng nước, gió, mặt trời, tới khí tự nhiên (gas). Vì thế, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội rất lớn, khả năng thu hút đầu tư lớn và khả năng tạo việc làm rất lớn cho nhiều người dân và đó sẽ là những công việc sạch, được trả lương tốt trong khi có thể giúp cung cấp cho nhu cầu năng lượng trong dài hạn. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và quy mô nên giá điện từ các nguồn NLS đang ngày càng thấp đi. Ví dụ, khi xét về chi phí tổng thể (trong đó bao gồm cả các chi phí ngoại biên, các tác hại mà điện than gây ra) thì giá điện từ năng lượng mặt trời giờ đã rẻ hơn so với từ than đá.

Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của các nước phát triển trong phát triển các nguồn năng lượng này?

Tôi nghĩ mỗi nước sẽ phải tìm cho mình con đường riêng trong đa dạng hóa nguồn năng lượng, vì mỗi nước đều có những lợi thế riêng. Điểm chung ở đây là đều phải hướng đến làm sao có được các nguồn NLS hơn. Tôi cho rằng, ngay cả khi các công nghệ trong sản xuất điện than đã rất phát triển và than đá “sạch” ra đời - người ta vẫn gọi như vậy - thì than đá vẫn là nguồn “bẩn” nhất trong cung cấp năng lượng trên thế giới. Vì thế, chúng ta cần chấm dứt việc phát triển, xây dựng thêm các nhà máy điện than. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng điện từ gas, từ gió, điện mặt trời và một phần từ điện hạt nhân... để thay thế cho điện than.

Và quan trọng hơn là chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này vì theo các nhà khoa học thì chúng ta không còn nhiều thời gian. Muốn vậy, Chính phủ cần đưa ra quyết định nhanh hơn, khu vực tư nhân phải đưa ra quyết định nhanh hơn để chuyển sang sử dụng các nguồn NLS. Người dân cũng cần cất lên tiếng nói của họ về nhu cầu sử dụng các nguồn NLS.

can thi truong nang luong canh tranh hon
Nhà máy điện gió Mũi Dinh

Nhưng cụ thể, các vấn đề cấp bách và lâu dài cần giải quyết là gì, nhất là trong bối cảnh thực tế Việt Nam vẫn đang phải dựa rất lớn vào điện than và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng?

Như tôi đã nói ở trên, dù xét về tổng chi phí thì NLTT đã rẻ hơn điện than, nhưng khi chỉ nhìn trực tiếp vào giá thì giá của điện than tại Việt Nam đang rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác. Nếu giá điện than được giữ ở mức thấp thì tất nhiên các DN sẽ lựa chọn sử dụng điện than. Do đó, cần có các ưu đãi đúng đắn trong hệ thống điện và tôi tin Việt Nam có thể tiến hành việc đó rất nhanh thôi, theo hướng cần đảm bảo chắc chắn là hợp đồng giá điện với NLS không bị thất thế (kém cạnh tranh) so với giá điện than.

Bên cạnh đó, dù sản xuất điện từ các nguồn NLS của Việt Nam là rất có triển vọng nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là cần phải cân đối, kết hợp được các nguồn năng lượng này như thế nào. Ví dụ, khi có ít ánh sáng mặt trời hơn theo mùa thì phải có đủ năng lượng gió để bù đắp lại. Như vậy, một mặt cần đầu tư vào nguồn pin dự trữ năng lượng, mặt khác cần phải có được hệ thống truyền tải điện phù hợp và hiện đại để các nguồn điện có thể hòa tốt vào lưới điện, từ đó có thể khai thác được cũng như dễ dàng phân phối tới những nơi, những lúc cần một cách hợp lý. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có được một mạng lưới điện thông minh để sản xuất, truyền tải và phân phối các nguồn NLS, cũng như có các chính sách, quy định để thúc đẩy áp dụng các công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, việc sử dụng điện năng hiệu quả hơn cũng là vấn đề cần đặt ra. Nhu cầu điện năng rất lớn nhưng trong số đó cũng có phần là do lãng phí. Để có được nguồn năng lượng đa dạng và hiệu quả thì tất cả mọi chủ thể liên quan đều phải có đóng góp vào quá trình này, chứ đây không chỉ là công việc của riêng Chính phủ hay ngành điện. Đơn cử, mỗi người dân, hộ gia đình cũng cần đưa ra các lựa chọn về cách thức mà họ có thể cung cấp năng lượng cho mình, hay ý thức xem họ sử dụng năng lượng thế nào và sử dụng như vậy thì có đang lãng phí điện năng không?...

Một điểm quan trọng khác là chúng ta cần phải có thị trường mang tính cạnh tranh hơn. Theo đó, cần phải có thêm các đối tượng mới tham gia vào thị trường này, đẩy mạnh đầu tư và thu hút các nhà đầu tư…

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Phạm lược ghi

Tin đọc nhiều