Cẩn trọng với việc trả nợ trễ hạn

09:14 | 15/06/2016

Trước mắt, để hạn chế mọi rủi ro phát sinh cho cả khách hàng lẫn người vay, các NHTM đang thống nhất việc xem xét lại tất cả các hợp đồng tín dụng có điều chỉnh tăng lãi suất để trao đổi với khách hàng.

Tìm hiểu về điểm tín dụng
Không lo nợ quá hạn
12 năm không nợ quá hạn

Nắm rõ quy luật tính lãi

Anh Phương Văn Hải, nhân viên tư vấn bảo hiểm của Prudentail cho biết, anh vừa bị NH từ chối cho vay tín chấp tiêu dùng 350 triệu đồng để mua đất dự án tại Bình Phước. Lý do, lãnh đạo NH đã tra ra được anh Hải còn một khoản nợ vay trước đó bị nợ quá hạn 90 ngày. Dù dư nợ và số tiền phạt không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng thông tin của anh Hải đã được cập nhật lên hệ thống chấm điểm tín dụng CIC.

Không bị từ chối cho vay, nhưng chị Kim Phượng cũng chỉ được ABBank duyệt cho vay 210 triệu đồng thay vì số tiền 400 triệu đồng như chị đề nghị. Theo chia sẻ của chị Phượng, lãi suất ABBank áp dụng cho chị là 12,5%/năm. Phía NH giải thích không giải ngân số tiền theo yêu cầu vì xét thấy khoản thu nhập hiện tại của chị không đảm bảo được khả năng trả nợ.

Vì có nhiều lựa chọn, nên chị Phượng đã mang hồ sơ qua vay tại Techcombank với kỳ vọng số tiền vay sẽ khá hơn, lãi suất thấp hơn. “Lúc đầu, nhân viên tư vấn khẳng định tôi sẽ được vay với số tiền lớn hơn tại ABBank và lãi suất cũng thấp hơn. Nhưng sau đó, tôi nhận được thông báo rằng trường hợp của tôi có thể vay hạn mức cao hơn chút đỉnh nhưng lãi suất ngang bằng, thậm chí là cao hơn tại NH cũ. Tôi thấy việc vay vốn tiêu dùng tại các NH hiện nay khó khăn hơn trước rất nhiều”, chị Phượng nói.

can trong voi viec tra no tre han
Khách hàng cần chú trọng đến cách tính lãi suất khi vay

Thừa nhận điều này, một Phó Tổng giám đốc NHTMCP chia sẻ, gần đây do cho vay DN khó khăn, các NH đã tập trung lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân thông qua hình thức như thành lập mới, hoặc mua và cơ cấu lại các công ty tài chính. Để cạnh tranh, các NH phải có sản phẩm cho vay hấp dẫn và phải tăng cường sự phối hợp giữa nhà cung cấp sản phẩm với nhà cung cấp tài chính để cho vay mua sản phẩm, hoặc vay tiền mặt tuỳ nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn nỗ lực đẩy vốn thì quy trình cho vay phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó, dư nợ khó đòi có xu hướng tăng nên NH phải xem xét lại hoạt động cho vay tín chấp lẫn thế chấp để tiêu dùng.

Xét về tổng thể, người tiêu dùng ồ ạt vay thời gian qua đã không chú trọng đến cách tính lãi suất. Theo đó, khi lãi suất bắt đầu điều chỉnh tăng lập tức gây ra tranh cãi giữa khách hàng với NH, ảnh hưởng đến quy trình trả nợ.

Một ví dụ điển hình nhất là một khách hàng tại Eximbank vay 2,6 tỷ đồng theo cả hình thức thế chấp lẫn tín chấp. Mục đích vay mua nhà trả góp, lãi suất ưu đãi cố định 3 tháng, sau đó lãi suất thả nổi theo thị trường. Sau 3 tháng hết thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi, NH bắt đầu áp dụng lãi suất mới đồng thời có điều chỉnh thêm một khoản lãi suất so với mức dự kiến ban đầu, nhưng khách hàng không chấp nhận mức lãi điều chỉnh có cộng thêm.

Đồng thời, NH cam kết giải ngân theo tiến độ và hiện nay đã giải ngân được 1,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại, thay vì chờ giải ngân tiếp thì khách hàng đòi NH giải ngân không cần theo tiến độ xây dựng dự án. Lý do, khách hàng vay tiền có thế chấp tài sản.

Khi NH không tiếp tục giải ngân thì khách hàng đòi rút tài sản thế chấp và không thanh toán khoản lãi suất đã giải ngân trước đó, dẫn đến chuyển nhóm nợ trên hệ thống CIC. Đến thời điểm này, ý kiến của khách hàng là NH phải giải ngân số tiền còn lại, khách hàng mới trả nợ cũ.

Đồng thời, NH phải xoá thông tin nhóm nợ trên CIC. Ngược lại, NH yêu cầu khách hàng phải trả hết nợ cũ, sau đó mới xem xét giải ngân tiếp hay là thanh lý hợp đồng, trả tài sản cho khách hàng… Mọi tranh chấp đều chưa ngã ngũ, thế nhưng, trước mắt, khoản nợ của khách hàng này đã trở thành nợ xấu tại NH.

Nợ xấu tăng, NH “siết” trở lại

Khi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin mà ông đưa ra về phía NH, gần đây nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân có xu hướng tăng trở lại là có thật. Theo đó, NHNN đang đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động cho vay tiêu dùng tại một số công ty tài chính và NH cho vay tiêu dùng, đặc biệt là các khoản vay có ưu đãi lãi suất.

“Vì lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng ngắn hạn, sau đó thả nổi theo thị trường và tùy vào thời hạn vay. Nếu lãi suất thị trường đột biến tăng cao, người vay sẽ chịu thiệt thòi lớn. Do đó, khi vay cần tìm hiểu kỹ và tính toán phương án trả nợ hợp lý để tránh rủi ro bị NH tịch thu tài sản. Có nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng, khi rơi vào trường hợp trễ hạn, bị phạt lãi suất lên đến 150% lãi suất áp dụng trên hợp đồng vay. Những trường hợp này khách hàng cần phải hiểu thật rõ”, ông Minh chia sẻ.

Từ các thông tin trên thị trường, giới chuyên môn cho rằng không loại trừ khả năng nhiều NH hạ chuẩn cho vay mua sản phẩm có giá trị cao, nâng cao giá trị tài sản thế chấp để lôi kéo khách. Vì thế, khi nảy sinh tranh chấp, việc thu hồi tài sản thế chấp hay tính đến khả năng trả nợ của khách hàng không tương xứng với khoản nợ vay. Cũng có trường hợp khách hàng vay nhưng không trả đúng hạn sau đó tranh cãi xoanh quanh câu chuyện lãi suất, lãi phạt…

Vậy nên trước mắt, để hạn chế mọi rủi ro phát sinh cho cả khách hàng lẫn người vay, các NHTM đang thống nhất việc xem xét lại tất cả các hợp đồng tín dụng có điều chỉnh tăng lãi suất để trao đổi với khách hàng. Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp hạ chuẩn vay, hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng trở lại.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều