Đâu là lợi thế cạnh tranh? | |
Để nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả | |
Tìm mô hình quản lý cạnh tranh |
Trong khoảng vài năm trở lại đây, cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của các DN có vốn Hàn Quốc thì các TCTD lớn đến từ “xứ sở Kim Chi” cũng đang ồ ạt tiến vào Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác với các DN và các NHTM trong nước. Thực tiễn này báo hiệu một thời kỳ cạnh tranh khá nhộn nhịp ở các mảng thị trường, từ tín dụng phục vụ phát triển hạ tầng đến tín dụng tiêu dùng và tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Cách đây không lâu, vào giữa tháng 4/2017, Shinhan Bank - một NHTM đến từ Hàn Quốc, với sự hậu thuẫn của công ty mẹ là Tập đoàn Shinhan Financial Group đã vượt qua VIB và 3 đối thủ khác để thâu tóm thành công mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam. Với việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ, vai trò của Shinhan Bank tiếp tục được khẳng định đối với hàng nghìn DN FDI đến từ Hàn Quốc. Bởi hiện nay, sau 24 năm có mặt tại Việt Nam (từ 1993), NH này luôn là đối tác quan trọng của các DN Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp - thực phẩm.
Ảnh minh họa |
Trước Shinhan Bank, những nhà băng Hàn Quốc được nhắc đến nhiều tại Việt Nam là các tên tuổi lớn như: KDB; Daegu. Hiện nay các TCTD này đều đã phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Theo đó, phía KDB với 100% vốn chủ sở hữu thuộc Chính phủ Hàn Quốc đã tỏ rõ ý muốn tham gia góp vốn vào BIDV, bởi hồi tháng 4/2017, NH lớn nhất xứ Hàn này đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với BIDV. Và mặc dù việc bán 25-30% vốn của BIDV chưa biết sẽ được thực hiện với đối tác Nhật Bản hay một nhà đầu tư nào khác nhưng rõ ràng với sự xuất hiện của KDB cuộc cạnh tranh trở thành đối tác chiến lược BIDV đang ngày càng trở nên sôi động.
Ở phía các NH Hàn Quốc khác, cuộc cạnh tranh mở rộng thị phần cũng rộn ràng không kém. Chẳng hạn, giữa tháng 7 vừa qua, NH Daegu bất ngờ công bố thỏa thuận hợp tác toàn diện với OCB. Với hợp tác này, cả phía Daegu và OCB đều sẽ tập trung mạnh vào các dịch vụ thanh toán quốc tế và phát triển các sản phẩm cho DNNVV. Đây là những lĩnh vực mà OCB đặt nhiều kỳ vọng tăng doanh thu và lợi nhuận trong 1-2 năm tới.
Trong khi đó, ở mảng đầu tư tín dụng hạ tầng một cái tên cũng gây nhiều chú ý đó là NH Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank). Với lợi thế hợp tác dài hạn với Bộ GT-VT Việt Nam, hiện Keximbank đang tỏ rõ ý muốn đầu tư vào hàng loạt các dự án hạ tầng khổng lồ tại phía Nam như: dự án Metro số 4b-1, Metro số 5 và các dự án đường giao thông huyết mạch (như tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án cầu Mỹ Thuận 2)…
Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc theo chân các DN Hàn Quốc vào Việt Nam, hiện nay các NHTM đến từ Hàn Quốc đã tiến những bước dài, tạo ra cơ sở phát triển bền vững ở thị trường Việt bằng cách hợp tác và cấp vốn vào cả các dự án lớn mang tính chiến lược quốc gia và tham gia phát triển thị trường bán lẻ.
Ở một tương quan cạnh tranh, rõ ràng hiện nay các DN đến từ Hàn Quốc đã trở thành những chủ đầu tư FDI lớn nhất trên thị trường Việt, đóng góp đến 48% GDP cả nước. Trong khi các NH nội địa vẫn đang cố gắng để tham gia cấp tín dụng cho các DN FDI Hàn Quốc thì các NH đến từ Hàn lại vượt lên trên với những chiến lược hợp tác lớn ở nhiều mảng miếng. Điều này cho thấy, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực tài chính của các TCTD Hàn Quốc đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Và như thế, bên cạnh sức ép đến từ các định chế tài chính quốc tế khác như Nhật Bản, Anh, Hong Kong, Singapore… thì việc “dè chừng” bước tiến của các NH Hàn Quốc đang chính là mối quan tâm mà các NHTM trong nước cần chuẩn bị để có thể cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.
Thạch Bình