Cạnh tranh mới về mạng lưới và kênh phân phối

08:00 | 02/02/2017

Trong bối cảnh hoạt động cho vay ngày càng khốc liệt, các NH và CTTC tiếp tục cải thiện kênh phân phối để làm mục tiêu phát triển trọng tâm trong tương lai

Viet Capital Bank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động
Vietcombank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động tại Tiền Giang
VietinBank hướng tới mục tiêu dẫn đầu mạng lưới và số 1 bán lẻ

Tăng cường mở rộng mạng lưới

Mở rộng mạng lưới về các vùng nông thôn để thu hút lượng vốn nhàn rỗi còn nhiều tiềm năng có thể được nhiều NH và công ty tài chính (CTTC) sẽ lựa chọn trong năm 2017, nhất là khi dư địa phát hành thẻ nội địa còn lớn với thị trường 80% ở nông thôn. Và một điểm cũng khá đặc biệt thu hút sự đầu tư của các TCTD đó là NHNN đã cho phép cá nhân từ 15 tuổi trở lên được mở thẻ hoặc mở tài khoản vay tín chấp.

Xu hướng đầu tư mạng lưới của các NH năm mới này cũng khác so với những năm trước. Trong đó, việc phát triển mạng lưới truyền thống tại các NH không còn tập trung ở các thành phố lớn mà ngược lại có thể bị thu hẹp tại các đô thị lớn để giúp NH tiết giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhân viên, chi phí tài sản.

canh tranh moi ve mang luoi va kenh phan phoi
Các TCTD tiếp tục mục tiêu mở rộng mạng lưới, đem dịch vụ tài chính đến gần người tiêu dùng hơn

Cùng lúc đó, các NH ưu tiên phát triển tại các vùng nông thôn còn nhiều tiềm năng với chi phí vận hành rẻ hơn, thì các kênh phân phối hiện đại khác như AutoBanking và NH số có thể trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt trong tương lai.

Về mạng lưới máy ATM truyền thống, các NH sẽ không quá tập trung phát triển do hiện tại các thẻ đều đã rút được tiền mặt tại máy ATM ở các NH khác nhau, trong khi chi phí liên quan đến hoạt động rút tiền mặt như chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, các chi phí vận hành, bảo trì và chi phí vốn khi phải để một lượng tiền mặt tồn quỹ tại ATM là quá lớn.

Còn đối với những CTTC, một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động của một CTTC đó là mạng lưới điểm bán, nơi nhân viên các công ty trực tiếp tư vấn các sản phẩm tài chính cho khách hàng. Do vậy, không chỉ nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm tốt mà việc duy trì và mở rộng mạng lưới cũng là điều không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các CTTC.

Với mục tiêu tăng cường độ phủ, tối đa hóa sự hiện diện dịch vụ cho vay trả góp trên cả nước, Home Credit đã và đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc “bắt tay”, liên kết với các đối tác từ cửa hàng bán lẻ truyền thống đến hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị điện thoại, điện máy, xe máy…

Người tiêu dùng hưởng lợi

Có thể nói, đối với ngành NH, mục tiêu giảm tiền mặt trong nền kinh tế cũng không khuyến khích hoạt động rút tiền mặt từ máy ATM. Tuy nhiên, nếu các NH đẩy nhanh và mạnh chiến lược mở rộng mạng lưới cũng có thể phát triển thêm mạng lưới ATM thì các NH có thể đẩy mạnh các dòng máy có chức năng nhận tiền mặt báo có ngay, chiến lược mà NH Đông Á đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm gần đây qua dự án phát triển mạng lưới Auto Banking.

Bên cạnh đó, các NH cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, sản phẩm về NH số giúp người tiêu dùng có thể hưởng lợi. Cụ thể, thời gian gần đây các NH cũng đã bắt đầu tập trung phát triển và hứa hẹn sẽ trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt trong tương lai.

canh tranh moi ve mang luoi va kenh phan phoi
Xu hướng sử dụng mọi giao dịch thanh toán qua điện thoại thông minh

Với xu hướng sử dụng mọi giao dịch thanh toán qua điện thoại thông minh thì ứng dụng NH số không những đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng ưa thích công nghệ, mà còn giúp NH có cơ hội ứng dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi, thói quen tiêu dùng và xu hướng tìm kiếm của khách hàng, từ đó có thể chủ động đáp ứng các nhu cầu của khách hàng qua các sản phẩm/gói sản phẩm phù hợp.

Đối với các CTTC cũng vậy, nếu nhìn vào chặng đường phát triển của một số công ty như FE Credit, Home Credit, HD Saison… thì người tiêu dùng dễ nhận diện được lợi ích, ít nhất là giao dịch thuận tiện hơn.

Đơn cử, Home Credit trong thời gian qua sẽ thấy sự tăng tốc mạnh mẽ và bền vững về số lượng điểm bán và đối tác. Cách đây 4 năm, số lượng đối tác hợp tác với Home Credit chỉ là 1.000, nhưng đến cuối 2016, con số này đã tăng gần 4 lần, lên đến 3.600 đối tác cả nước. Trong đó, các chuỗi cửa hàng điện máy, điện tử và xe máy lớn như Thế giới Di động, FPT, Viễn Thông A, Viettel, Hòa Bình Minh, Sang Trọng… đều đã và đang là những đối tác chiến lược của Home Credit.

Theo đó, sự hiện diện của Home Credit thông qua mạng lưới điểm bán cũng ngày càng được nhân rộng. Năm 2014, công ty chỉ có khoảng 4.000 điểm bán trên khắp cả nước nhưng con số này đã tăng 30% mỗi năm và cán mốc 6.900 điểm bán với 10.000 nhân viên vào cuối năm 2016. Mạng lưới rộng đã hỗ trợ tích cực cho Home Credit trong việc thu hút khách hàng. Số lượng khách hàng của công ty cũng tăng mạnh từ 3 triệu lên mức 5 triệu vào cuối năm 2016. Như vậy, cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì có tới 5 người từng là khách hàng của Home Credit.

Chiến lược “đinh” trong việc chiếm lĩnh thị phần, gia tăng mạng lưới khách hàng có dấu ấn không nhỏ từ việc bắt tay với các đối tác triển khai chương trình cho vay trả góp 0% lãi suất. Bằng chứng là năm 2016, doanh số cho vay qua điểm bán của Home Credit đã tăng gần 90% nhờ vào các sản phẩm cho vay 0% lãi suất áp dụng cho điện thoại, điện máy, xe máy… Sự thành công của lãi suất 0% thể hiện rõ qua mức tăng doanh số bán hàng trả góp tại 4 đối tác chiến lược có mạng lưới cửa hàng bán lẻ dày đặc khắp cả nước là FPT, Thế giới Di động, Viễn Thông A và Viettel.

Thậm chí, “mục tiêu của Home Credit là có mặt ở mọi nơi có khách hàng, kể cả những vùng núi hay nông thôn xa xôi. Do đó, việc mở rộng mạng lưới đối tác là rất quan trọng để giúp khách hàng dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ vay trả góp”, ông Ivo Slanina, Giám đốc Điều hành Home Credit Việt Nam chia sẻ.

Do vậy, không chỉ Home Credit mà nhiều CTTC khác cũng tiến hành bắt tay với các chuỗi cửa hàng có mạng lưới cả nước, đồng thời, còn lập thêm những cửa hàng độc lập, vốn là mô hình bán hàng phổ biến ở Việt Nam thời điểm này. Riêng Home Credit đã bắt tay với 2.750 cửa hàng độc lập và trung bình mỗi tháng công ty đều ký hợp tác thêm từ 150-200 cửa hàng. Tốc độ này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới khi công ty triển khai mô hình một nhân viên phụ trách nhiều cửa hàng gần nhau, ông Ivo cho biết.

Về chiến lược mở rộng mạng lưới trong thời gian tới, một số CTTC cho biết luôn đồng hành cùng các đối tác chiến lược như Thế giới Di động, FPT, Viettel, Viễn Thông A. Khi họ mở rộng mạng lưới, công ty sẽ tiếp tục sắp xếp nhân viên kinh doanh hỗ trợ tại tất cả các cửa hàng của họ. Ngoài ra, công ty đang hướng đến xây dựng một hệ thống mạng lưới điểm bán phù hợp đặc thù của từng cửa hàng, và nghiên cứu làm thế nào để cung cấp dịch vụ mà không cần nhân viên có mặt tại từng cửa hàng.

Nếu thực hiện được, thiết nghĩ mạng lưới của các công ty chắc chắn sẽ phát triển lên đến hàng chục ngàn điểm bán, từ đây, người tiêu dùng trên cả nước sẽ dễ dàng tiếp cận với những khoản vay tiêu dùng thiết thực.

Tuy nhiên, để có thể thu hút được khách hàng tham gia và tạo được niềm tin nơi khách hàng, các NH cũng như CTTC sẽ phải tiếp tục cạnh tranh về công nghệ thanh toán và quản lý, cũng như nâng cao tính bảo mật, thuận tiện và an toàn trong giao dịch. Rõ ràng trong bối cảnh hoạt động cho vay vẫn rủi ro, các NH cũng phải tập trung xử lý nợ xấu thì chiến lược phát triển các sản phẩm dịch vụ để nâng cao nguồn thu phí và cải tiến kênh phân phối sẽ là trọng tâm phát triển trong tương lai.

Triều Anh

Tin đọc nhiều