Cấp bách giảm chi phí đầu vào sản xuất

09:52 | 09/06/2017

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi của khung khổ chính sách mới, thì những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để, như chi phí sản xuất, nhân lực, chi phí không chính thức... vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước

Lợi nhuận trông chờ vào chi phí thấp
Môi trường kinh doanh cải thiện, nhưng chi phí không chính thức vẫn còn
Đau đầu chi phí đầu vào

Khí thế hừng hực gia nhập thị trường của khối DN trong nước vẫn chưa “hạ nhiệt”, khi số DN thành lập trong tháng 5 vừa qua tiếp tục tăng 13% với số vốn đăng ký tăng 39% so với cùng kỳ 2016. Nhìn lại 3 tháng gần đây, tình hình đăng ký kinh doanh cũng tỏ rõ sự “phấn khởi” của các startup như vậy: số lượng DN mới và số vốn đăng ký đều đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2014-2017.

Song, thật khó hiểu là cảm nhận của DN về triển vọng nền sản xuất lại không có được sự lạc quan tương ứng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm từ 54,1 điểm vào tháng 4/2017 xuống 51,6 điểm trong tháng 5/2017. Mức độ lạc quan đã giảm xuống thấp nhất trong gần 4 năm và điều này khiến nhiều DN quan ngại về tình trạng suy giảm sản xuất có thể sắp diễn ra. Tốc độ tăng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tháng 5 đã chậm lại ở mức thấp trong 4 tháng qua.

cap bach giam chi phi dau vao san xuat
Chi phí sản xuất giảm là động lực để DN duy trì sản xuất

Nhiều công ty cho biết số lượng đơn đặt hàng mới của họ giảm và họ phải giảm sản lượng. Xét về yếu tố việc làm, tốc độ tuyển dụng đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp nhưng mức tăng này lại thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Về tồn kho, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm làm tăng tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 5.

Trước xu hướng sụt giảm nhu cầu, kéo theo sụt giảm đơn hàng, các chuyên gia đánh giá, việc giải bài toán hạ giá thành chi phí sản xuất cho DN đang tiếp tục cấp bách, tuy tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 5 đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp và là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Việc tìm lời giải bài toán giảm chi phí kinh doanh cho DN cũng là vấn đề đang khiến nhiều cơ quan quản lý trăn trở. Bởi nếu chi phí kinh doanh vẫn tiếp tục cao thì cùng với số DN gia nhập thị trường lớn, số DN phải rời bỏ thị trường do không đủ sức cạnh tranh cũng sẽ lớn. Đó là tình trạng đang diễn ra hiện nay.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn chứng, năm 2016 đăng ký kinh doanh đạt con số kỷ lục là hơn 110.000 DN. Song, trong bức tranh sáng này cũng có một số bất cập là số lượng DN giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, lần lượt ở mức 30,7% và 27,8%. Trong đó, hầu hết các ngành đều có số DN giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước.

“Bên cạnh các điều kiện thuận lợi của khung khổ chính sách mới, thì những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để, như chi phí sản xuất, nhân lực, chi phí không chính thức... vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước”, theo bà Minh. Chính vì thế, chỉ riêng nỗ lực của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tạo thuận lợi cho DN khi gia nhập thị trường thôi là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để cắt giảm triệt để chi phí sản xuất cho DN.

Bàn về các giải pháp giảm chi phí cho DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một loạt các giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan để giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ; Sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến chính sách đất đai nhằm tháo gỡ khó khăn tiếp cận đất đai cho DN…

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, cần xác định các điểm nghẽn cấp bách trên môi trường kinh doanh để khắc phục trước. Điểm nghẽn cần giải quyết ngay là hệ thống tài chính yếu kém, bộ máy hành chính kém hiệu quả. Dẫn khảo sát của hãng tư vấn Grant Thornton, ông Lực đặc biệt lưu ý tới vấn đề khiến 54% số DN tham gia khảo sát cho biết họ rất quan ngại: tham nhũng. Đây cũng là vấn đề liên quan tới bộ máy hành chính Nhà nước.

Đồng tình rằng bộ máy Nhà nước kém hiệu quả đang “ngốn” nhiều chi phí của DN, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, các vấn đề cốt lõi như chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, thuế, hải quan… có vẻ đều liên quan đến nguồn thu của Nhà nước. Và vì thu của Nhà nước nhiều nên chi phí của DN tăng lên.

“Chúng ta phải bàn khác đi thì may ra mới giải quyết được. Thay vì bàn cách giảm chi của DN thì phải tập trung bàn về vấn đề chi tiêu của Nhà nước và tìm cách giảm được mức chi đó. Làm được như vậy thì lập tức chi phí DN sẽ giảm…”, ông Thiên hiến kế.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều