Chế biến yếu, giảm giá trị nông sản

15:42 | 27/04/2018

Cần nhấn mạnh vào khâu bao bì, đóng gói. Chỉ có bao bì đóng gói và gia tăng sơ chế thì mới có thể tăng được giá trị sản phẩm...

che bien yeu giam gia tri nong san
Ảnh minh họa

Nông sản Việt Nam hiện XK đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và luôn nằm trong Top 15 quốc gia XK nông sản lớn nhất. Trong năm 2017, giá trị XK nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt hơn 35 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng XK đạt trên 1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn được XK dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường.

Theo số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện tỷ trọng nông sản XK chế biến sâu tại Việt Nam mới đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa các nước trong khối ASEAN). Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp, như rau quả thực phẩm 10%, cà phê 4-6%, dừa, chè, cao su, đậu... hầu như chỉ qua sơ chế hoặc XK thô, không đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường thế giới.

Năm nay, vải nhãn được mùa. Nhưng cùng với niềm vui, đó là nỗi lo lắng về đầu ra sản phẩm, khi thời điểm thu hoạch nhãn, vải chỉ kéo dài trong vài ba tháng.

Ông Bùi Xuân Sử - Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên) chia sẻ, hiện nay trái nhãn, vải vẫn chủ yếu là bán tươi, thời gian thu hoạch ngắn, điều này làm giảm giá trị của 2 loại trái cây này. Mong muốn của các hộ nông dân là đi vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Việc này tự thân chúng tôi không thể làm được mà rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nếu có nhà lạnh để bảo quản sau thu hoạch, kéo dãn thời vụ. Bên cạnh đó, nếu có sự đầu tư của các DN trong chế biến sâu, tạo ra được các sản phẩm nhãn đóng hộp sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

“Đầu tư chế biến sâu, chúng tôi nghĩ được nhưng không làm được vì còn rất nhiều yếu tố liên quan đến vốn, kỹ thuật... Mong các ngành các cấp quan tâm, tạo điều kiện để quả nhãn có thể đa dạng hóa sản phẩm gồm: Quả tươi, chế biến, XK, làm long nhãn”, ông Bùi Xuân Sử nói.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, với diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, sản lượng vải của tỉnh đạt từ 150 – 200 nghìn tấn/năm. Do thời gian vải chín nhanh, lại không bảo quản được lâu nên vào chính vụ, mỗi ngày, Bắc Giang "phải" tiêu thụ 4.000 - 5.000 tấn vải. Có thời điểm, vải chín rộ, người trồng vải phải “bán tống bán tháo” và bị tư thương ép giá.

“Chúng tôi muốn có công nghệ bảo quản vải lâu hơn nhưng chưa đơn vị nào đưa ra công nghệ phù hợp. Đối với chế biến, một số DN áp dụng dây chuyền sấy vải khô nhưng khâu tách hạt vẫn phải làm thủ công, hiệu quả không cao”, ông Nguyễn Văn Linh chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm XK Đồng Giao ông Đinh Cao Khuê chia sẻ, riêng với vải, thị trường vải ở Nhật có nhu cầu rất lớn, chúng tôi có thể tiêu thụ khoảng 4.000 tấn, đối với thị trường châu Âu là khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, bạn yêu cầu nhận hàng quanh năm, do đó mình phải có kho lạnh dự trữ.

Theo Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn, sản phẩm nông sản sau khi qua tinh chế sẽ nâng giá trị lên gấp 10 - 20 lần so với xuất nguyên liệu thô. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này và nhanh chóng thay đổi cách làm, thì lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ nhanh chóng tụt hậu và không bao giờ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trước kiến nghị của các HTX, DN, ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung sâu vào khâu chế biến. Theo đó, sẽ có khoảng 8 nhà máy chế biến rau quả đi vào hoạt động nhằm giảm áp lực tiêu thụ quả tươi trong thời gian tới.

Đối với vụ vải và nhãn này Bộ NN&PTNT cũng đã mời Công ty cổ phần Thực phẩm XK Đồng Giao và một số tập đoàn lớn về chế biến để các DN đó có thể trữ được hàng hóa, có khả năng sơ chế và làm các sản phẩm cấp đông cũng như các sản phẩm nước ép khác. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vào khâu bao bì, đóng gói. Chỉ có bao bì đóng gói và gia tăng sơ chế thì mới có thể tăng được giá trị sản phẩm.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều