Phải quan tâm thỏa đáng đến phòng vệ thương mại | |
Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại |
Ảnh minh họa |
Nếu như trong cả năm 2018 có 13/37 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay con số này đã tăng lên 15 mặt hàng. Trong đó có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, điện thoại và linh kiện tăng 82%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, dây cáp điện tăng gần 200%...
Tỷ lệ thuận với sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu, số vụ kiện phòng vệ thương mại cũng đã tăng lên nhanh chóng. Trong 7 tháng đầu năm nay, tần suất vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã duy trì ở mức độ trung bình 1 vụ/1 tháng. Trong khi trước đó trong cả năm 2018 chỉ có 7 vụ việc được khởi xướng điều tra.
Nhìn lại vụ việc gần đây nhất khởi xướng vào tháng 7 sẽ thấy, việc Hoa Kỳ áp thuế hơn 400% lên thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng bắt nguồn từ kim ngạch xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331,9% và 916,4% so với các năm trước đó. Trước đó, giới chuyên gia cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng đốm lửa nhen nhóm nguy cơ bùng phát các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ đang lớn dần, khi thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với đối tác này đã vượt mốc 20 tỷ USD kể từ năm 2014 và cán ngưỡng 39,5 tỷ USD trong năm 2018, tăng gấp đôi sau 4 năm.
Một yếu tố khác cần thận trọng là việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Xét riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư rót vốn mới nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn 1,67 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư đăng ký mới. Từ sau đợt áp thuế thứ 4 của Mỹ với quốc gia này, công cuộc dịch chuyển chuỗi sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc ngày càng tăng tốc. Mặc dù đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận dòng vốn mới, song nếu không thận trọng thì đây cũng sẽ là nguy cơ gia tăng yếu tố rủi ro đối với hàng xuất khẩu khi các quốc gia nhập khẩu muốn truy xuất đến cùng về nguồn gốc sản phẩm.
Không chỉ vậy, những rủi ro về phòng vệ thương mại còn xuất hiện ở yếu tố định tính. Đó là sự thay đổi cách tiếp cận của phía Hoa Kỳ về xuất xứ hàng hoá. Cho đến nay, đây vẫn là nguy cơ bất ngờ và khó lường đoán nhất đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Bởi trong 70 năm qua, sản xuất tôn hay các sản phẩm thép hình từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Đồng thời nếu căn cứ theo quy định hiện hành về quy tắc xuất xứ theo các FTA, sản phẩm thép của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng quy tắc xuất xứ tại Việt Nam và việc cấp chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm vào Hoa Kỳ là đúng quy định không chỉ trong nước mà cả các điều ước quốc tế.
Tuy nhiên, đối chiếu với vụ kiện khởi xướng đầu tháng này, khi Việt Nam sử dụng thép cán nóng Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất ra tôn hay thép hình rồi xuất khẩu sang Mỹ lại bị Mỹ xem xét và có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho hai quốc gia này.
Cách thay đổi có phần bất ngờ của quốc gia nhập khẩu đã đưa ra cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng tùy ý và khó đoán định theo nhu cầu của nước nhập khẩu để bảo vệ nền sản xuất nội địa của họ. Khi quốc gia nào muốn bảo vệ sản xuất trong nước, họ sẽ sử dụng quy định về quy tắc xuất xứ chặt hơn để hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm đó vào thị trường nội địa.
Như vậy, việc theo dõi biến động của kim ngạch xuất khẩu từ phía Việt Nam có lẽ cũng là chưa đủ nếu các nước nhập khẩu như Mỹ muốn áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày các nước áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày... thì vấn đề đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng lớn hơn.
Khanh Đoàn