Chứng từ điện tử đã đủ?

12:31 | 22/10/2015

Không ít trường hợp giao dịch điện tử của doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển đổi sang chứng từ, văn bản giấy.

chung tu dien tu da du
Ảnh minh họa

Tiếp theo chương trình làm việc của ngày thứ 2, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi).

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể một số điều, khoản trong Dự thảo luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định. Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết, so với dự thảo Luật này trình Quốc hội lần trước, lần này Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo rà soát, cụ thể hóa một số nội dung trong Dự thảo luật như: quy định về chứng từ điện tử (Điều 17), chữ ký điện tử (khoản 4 Điều 19), cụ thể hơn tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán (khoản 3 Điều 22)...

Góp ý cho dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị thay cụm từ “giá trị hợp lý” bằng cụm từ “giá trị xác định lại” và xem xét lại nội dung khái niệm này. Cụ thể, theo dự thảo Luật, giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc.

Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả luôn biến động theo giá trị thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, theo nội dung này thì sẽ cho phép kế toán điều chỉnh lại giá trị tài sản, sổ kế toán theo giá trị hợp lý, có thể tạo kẽ hở trong đánh giá tài sản, ghi giá trị ảo của tài sản và làm khó cho cơ quan quản lý trong kiểm soát, đánh giá.

Liên quan đến nội dung chứng từ và chứng từ điện tử (Điều 17) và từ thực tiễn là lãnh đạo doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết, trong thực tiễn, chứng từ kế toán (trong đó có hoá đơn) thường được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, quản lý thị trường, công an xem xét đối chiếu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại đơn vị hoặc kiểm tra hàng hoá đang lưu thông trên đường.

Không ít trường hợp giao dịch điện tử của doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển đổi sang chứng từ, văn bản giấy để phục vụ cho các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, từ đó gây tốn kém thời gian, thủ tục phiền hà.

Để làm rõ thêm cho Điều 17, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, dự thảo Luật Kế toán cần bổ sung: Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi nhận bằng phương tiện điện tử thì chứng từ điện tử có đầy đủ giá trị như chứng từ giấy trong việc ghi sổ kế toán, lưu trữ, phục vụ thanh tra, kiểm tra; các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện nhiệm vụ, không bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi sang chứng từ giấy.

Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp quan tâm là tại Điều 53, khoản 3 dự thảo Luật Kế toán quy định những người không được làm kế toán là: “Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của Giám đốc, Tổng giám đốc và của Phó giám đốc, Phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính-kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh”.

Theo một số đại biểu, thực tiễn không ít doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do những người thân cùng lập ra như anh, chị, em, ruột và con cháu họ cũng có thể làm kế toán. Do vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc quy định trên cho phù hợp với thực tiễn.

Về chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trong Dự thảo luật.

Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bao gồm các quy định về nguyên tắc và phương pháp hạch toán rất chi tiết, cụ thể từng nghiệp vụ phát sinh, những quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán viên...

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay rất rộng, gồm 26 chuẩn mực được Bộ Tài chính ban hành tại 5 Quyết định và 6 Thông tư nên khó có thể đưa hết các nội dung này vào luật.

Do đó, Dự thảo luật xin chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và giao Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán cụ thể trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Chí Kiên

Tin đọc nhiều