Ảnh minh họa |
Nhiều dự án kém hiệu quả
Năm 1993, khu chế xuất An Đồn nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, nay là khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng ra đời, trở thành KCN đầu tiên ở TP. Đà Nẵng. Thời gian sau, một loạt các KCN xuất hiện ở thành phố bên bờ sông Hàn. Tính đến nay, toàn thành phố có 6 KCN tập trung bao gồm, Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và khu dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, hiện tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trên địa bàn đạt hơn 85%. Trong đó, 2 KCN do thành phố đầu tư có tỷ lệ lấp đầy 100%, đó là KCN Hòa Khánh và KCN Đà Nẵng, giải quyết hơn 74 nghìn lao động.
Trong năm 2015, các DN trong KCN đóng góp ngân sách thành phố hơn 5 nghìn tỷ đồng. Một số DN trong KCN trên địa bàn đã ăn nên làm ra, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn khấm khá, vẫn có nhiều dự án trong các KCN ở Đà Nẵng hoạt động kém hiệu quả. Đơn cử, tại KCN Hòa Khánh một trong những KCN lớn nhất trên địa bàn có diện tích khoảng 430 ha, với 167 DN đăng ký hoạt động. Trong số này, chỉ có 68 DN thật sự có năng lực sản xuất kinh doanh.
DN trong KCN hoạt động khó khăn ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển của các KCN trên địa bàn. Trong đó, nổi lên là việc lãng phí đất đai, khi hàng chục ha đất bỏ hoang, chưa thể thu hồi, trong khi nhiều nhà đầu tư thật sự có tiềm năng lại không thể chen chân vào KCN trên địa bàn.
Ngoài tình trạng dự án treo, việc DN làm ăn kém hiệu quả còn ảnh hưởng đến việc thu ngân sách, thu thuế của cơ quan chức năng. Một số DN trong KCN hiện đang “đội sổ” về việc nợ thuế ở Đà Nẵng, có thể kể đến Công ty Công nghiệp tàu thủy Miền Trung (Vinashin) hay Công ty Dệt may ITG Phong Phú…
Ngoài việc DN làm ăn kém hiệu quả còn có hiện tượng một số DN lợi dụng những chính sách ưu đãi trong các KCN để trục lợi. Theo ông Phạm Việt Hùng, Trưởng Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, ban quản lý vừa tiến hành rà soát lại 359 DN thuê đất đầu tư trong 6 KCN.
Trong đó, khoảng 60% DN có năng lực sản xuất, 40% DN không có năng lực sản xuất hoặc năng lực sản xuất thấp. Đối với các dự án này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân loại và thu hồi những dự án không có khả năng tiếp tục đầu tư, chấm dứt dự án kêu gọi nhà đầu tư mới…
Sang tên đổi chủ
Với mục tiêu khoảng từ 80 - 90% dự án có năng lực sản xuất thực sự tại các KCN, chính quyền TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, có việc đồng ý cho các dự án trong KCN gặp khó khăn được quyền sang nhượng lại dự án. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản đồng ý cho các dự án gặp khó khăn được chuyển nhượng toàn bộ nhưng không làm thay đổi mục tiêu của dự án...
Ngay sau khi chính quyền thành phố có chủ trương về việc sang nhượng các dự án trong KCN, một loạt DN gặp khó đã lập tức tiến hành sang tên đổi chủ. Trong đó, có thể kể đến CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng Đà Nẵng chuyển nhượng lại toàn bộ cho Tập đoàn G. Home; CTCP Thiên Kim chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư giá trị; thương hiệu Tôn Á Đông mua lại nhà máy Vinashin...
Đối với những dự án gặp khó nhưng chưa tìm được đối tác chuyển nhượng, trong vòng 6 tháng thì Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng sẽ lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấm dứt dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới. Ngoài việc thanh lọc các dự án trong KCN, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng một số KCN trên địa bàn.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, nằm trong danh mục các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở rộng thêm khoảng 150ha KCN Hòa Cầm về hướng tây nam, để KCN này bảo đảm diện tích khoảng 300 ha. Ngoài ra, sẽ thành lập các KCN mới như KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Khương với quy mô 300ha để thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ…
Không chỉ có chuyển nhượng các dự án trong KCN, trước đó ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng luôn tạo cơ hội cho nhà đầu tư, nhưng nếu nhà đầu tư cố tình dây dưa, không chịu đóng tiền sử dụng đất thì phải thu hồi, đồng thời chính quyền sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác.
Nghi Anh