Cơ cấu tiêu thụ thép đang dịch chuyển

14:00 | 11/12/2017

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tính riêng khu vực phía Nam trên 2 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ

Bộ Thương mại Hoa Kỳ: Việc lẩn tránh thuế xuất khẩu thép qua Việt Nam là có thật
11 tháng, Hòa Phát tiêu thụ 1,95 triệu tấn thép
Hòa Phát sản xuất thép chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu

Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 9 tháng đầu năm 2017, thị trường phía Bắc vẫn là nơi có số lượng tiêu thụ thép lớn nhất, chiếm tới 49% tổng cầu thép xây dựng cả nước. Trong khi đó, toàn bộ khu vực miền Nam lại chỉ đóng góp 30% nhu cầu sử dụng thép xây dựng. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng nhu cầu xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng và các công trình dân dụng tại miền Nam mới chính là các nhân tố chính thúc đẩy tỷ trọng tiêu thụ sắt thép trong cơ cấu tiêu thụ thép cả nước. Vì sao lại có nghịch lý như vậy?

co cau tieu thu thep dang dich chuyen
Miền Nam mới chỉ đóng góp 30% nhu cầu sử dụng thép xây dựng toàn thị trường Việt Nam trong 9 tháng đầu năm

Thực tế, miền Nam luôn là khu vực kinh tế chủ lực tạo ra hơn 40% tổng GDP toàn quốc (2016) và có dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh. Do vậy, khi khu vực này mới chỉ đóng góp 30% nhu cầu sử dụng thép xây dựng toàn thị trường Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất mạnh của mảng thép xây dựng tại khu vực này trong những năm tới.

Bên cạnh kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu thép xây dựng, chuyên gia phân tích Hà Trinh VDSC cho rằng sẽ có nhiều thay đổi về nguồn cung thép xây dựng trong vòng 5 năm tới.

Thị trường thép xây dựng miền Nam hiện tại có thể xem như phân tán hơn so với thị trường phía Bắc do hầu hết các nhà máy sản xuất thép có công suất nhỏ. Trong khi đó, thị trường phía Bắc hiện tại có cơ cấu thị phần tương đối “cô đặc”, với thép Hoà Phát (HPG) chiếm 33,4% thị phần, thép Thái Nguyên giữ 15% thị phần, thép Việt Đức chiếm 8,9%, theo sau là các nhà sản xuất chiếm khoảng 5% thị phần như SSE, Kyoei, Vinausteel và VPS (9 tháng đầu năm 2017).

Ba nhà cung cấp đầu ngành tại phía Bắc đều là những DN thép có quy mô lớn và bán hàng tương đối hiệu quả. Ngược lại, tại thị trường miền Nam, không có DN thép nào chiếm trên 20% thị phần bởi hầu hết là các nhà máy thép quy mô nhỏ, quy trình sản xuất ngắn và không xác lập được lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ.

Như vậy, khi nhìn vào kế hoạch mở rộng sản xuất của bốn DN có thị phần lớn nhất, dễ nhận thấy không có những dự án lớn để đón đầu tăng trưởng nhu cầu thép xây dựng của khu vực miền Nam.

Liên doanh thép Việt-Nhật Vinakyoei sau khi hoàn thành dự án công suất 1 triệu tấn thép/năm trong năm 2015 vẫn chưa công bố kế hoạch mở rộng. Sunsteel và Pomina lại có xu hướng "lấn sân" sang mảng thép phẳng khi dự án gần đây nhất của Sunsteel là nhà máy tôn mạ công suất gần 400.000 tấn/năm, còn Pomina bên cạnh dây chuyền cán thép 500.000 tấn lại đầu tư nhà máy tôn mạ chất lượng cao công suất 600.000 tấn/năm. Trong khi Posco-FDI Hàn Quốc xuất khẩu tới hơn 30% sản lượng và Formosa Hà Tĩnh mới chỉ tiêu thụ hơn 53.000 tấn thép tại thị trường miền Nam trong 9 tháng đầu năm.

Thiết nghĩ cần có các nhà máy sản xuất thép quy mô lớn như các dự án của HPG và TIS tại miền Bắc để tăng quy mô, khép kín quy trình sản xuất để giảm giá vốn, đồng thời tận dụng lợi thế địa lý để tăng độ phủ tại thị trường miền Nam.

Nếu xét trong số các dự án sắt thép tại khu vực miền Trung, Nam bộ, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất của HPG là một điểm sáng với công suất thép xây dựng lên tới 2 triệu tấn/năm sử dụng công nghệ lò cao, tích hợp hạ tầng hiện đại cho phép tiết kiệm chi phí hậu cần.

Với thông tin đưa ra từ HPG, dây chuyền cán thép đầu tiên tại khu liên hợp này sẽ bắt đầu sản xuất từ quý III/2018 chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Nam và xuất khẩu nhờ lợi thế về chi phí vận chuyển. So với sản lượng tiêu thụ hàng năm của Vinakyoei và Sunsteel, công suất thiết kế dự kiến 2 triệu tấn thép xây dựng/năm của Hoà Phát Dung Quất được kỳ vọng là một ẩn số lớn có khả năng ảnh hưởng lên cấu trúc thị phần manh mún hiện tại của thị trường thép miền Nam nhờ sự khác biệt về quy trình sản xuất. Dự án mới của HPG, thừa kế kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Khu liên hợp thép Hải Dương rất có thể sẽ giúp Hoà Phát giãn nở thị phần tại miền Nam mạnh mẽ trong những năm tới.

Còn nhớ, khi bắt đầu vận hành các lò cao tại Khu liên hợp thép Hải Dương, HPG đã liên tục tăng thị phần tại miền Bắc từ 24,7% năm 2013 lên 33,4% trong 9 tháng 2017 với biên lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ. Khi thị phần hiện tại mới chỉ có 3,8%, dự báo Hoà Phát sẽ lập lại thành tích này tại thị trường thép xây dựng phía Nam.

Lâm Anh

Tin đọc nhiều