Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau than thở, với nguồn tài chính quá nhỏ như vậy, chính quyền địa phương không có đủ chi phí để trang trải cho các hoạt động cải tạo môi trường. Hậu quả là hàng loạt tác động tiêu cực như sụt lở đất, ô nhiễm bụi và tiếng ồn, sụt giảm mực nước ngầm… diễn ra ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nộp phí BVMT đầy đủ, song DN khai thác khoáng sản nhiều khi vẫn bị nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm |
Tại hội thảo “Khai thác khoáng sản: Từ câu chuyện ở cộng đồng đến các vấn đề chính sách”, do Liên minh Khoáng sản tổ chức mới đây, ông Khoa chia sẻ, theo Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí BVMT trong khai thác khoáng sản, địa phương được giữ lại 100% nguồn thu này để khắc phục tổn thất môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên mới có cơ chế trích lại cho huyện chứ không bố trí trích lại cho thị trấn, nơi trực tiếp có hoạt động khai thác.
HĐND huyện sau đó đã có cơ chế trích 80% cho các xã, thị trấn có hoạt động này, song lại khống chế không quá 500 triệu đồng/năm. Vì vậy, thị trấn Trại Cau là nơi có hoạt động lớn về khai thác khoáng sản, với số thu nộp ngân sách lớn, song lại không được trích lại khoản tiền tương xứng để chủ động xử lý những tác động của khai thác đến môi trường.
Tình trạng quản lý và phân bổ nguồn thu từ phí BVMT bất hợp lý như trên không phải là hiếm gặp tại nhiều địa phương trên cả nước, theo khảo sát của Liên minh Khoáng sản. Tiến hành phỏng vấn và thu thập thông tin từ 30 xã có hoạt động khai thác mỏ, kết quả cho thấy hiện UBND cấp xã không phải là cơ quan có thẩm quyền trong việc thu phí BVMT và thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở địa bàn. Các DN khai thác khoáng sản trực tiếp khai báo và nộp phí tại chi cục thuế cấp huyện hoặc tỉnh.
Tuy nhiên, khảo sát đã cho thấy các văn bản pháp luật ở các địa phương ít đề cập đến tỷ lệ phân bổ cụ thể nguồn thu từ phí BVMT từ cấp tỉnh xuống huyện và xã. Hầu hết các tỉnh đều không có quy định cụ thể về cơ chế quản lý và sử dụng phí BVMT. Duy chỉ có Yên Bái và Long An là hai trong số ít những địa phương quy định cụ thể việc phân bổ nguồn thu. Tuy nhiên ở một số địa phương, nguồn thu này cũng chỉ được sử dụng để chi trả lương cán bộ và các hoạt động khác của UBND xã.
Về vấn đề đầu tư cho môi trường, 21 xã được phỏng vấn cho biết chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường, 9 xã còn lại được đầu tư hệ thống nước sạch. Song trên thực tế, tất cả những dự án này đều có nguồn tiền từ Chương trình 135 (Chương trình phát triể̉n kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn) hoặc Chương trình 925 (Chương trình đường giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường).
Mù mờ về nguồn thu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý và phân bổ khiến môi trường sống người dân khu vực khai thác khoáng sản ngày càng xuống cấp, còn DN than vãn rằng họ bị hàm oan.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đảng uỷ Mỏ sắt Trại Cau, thuộc CTCP Gang thép Thái Nguyên cho biết, số thu phí BVMT hàng năm của mỏ khoảng từ 15-20 tỷ đồng, bằng trên 10% giá thành sản xuất của mỏ.
Chưa kể hàng năm DN này còn đóng góp xây dựng hàng loạt công trình phục vụ cho cộng đồng như phòng học, nhà tình nghĩa, đường giao thông… Song vẫn bị người dân nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm, do nghĩ rằng DN tận thu mà không chịu bù đắp trở lại đến môi trường sống của cộng đồng.
“Vấn đề là chúng tôi không rõ các DN cùng địa phương đã đóng được bao nhiêu, số thu của chúng tôi được phân bổ lại cho địa phương như thế nào? Là người đóng phí song DN chưa bao giờ giám sát được việc thu chi”, ông Quảng bức xúc nói.
Còn theo bà Trần Thanh Thuỷ, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản: “Thực trạng này cho thấy hiệu quả thực sự của chính sách, tính minh bạch và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về vấn đề quản lý sử dụng nguồn thu từ phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản cần được xem xét và đánh giá lại”.
Ngọc Khanh