Vẫn còn băn khoăn giá điện, lạm phát | |
Năm 2019: Sẽ chính thức triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh |
Tại hội thảo tham vấn cộng đồng về chính sách đối với cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) vừa được tổ chức mới đây, Bộ Công thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) đã thống nhất đến cuối năm nay, các quy định pháp lý cho DPPA sẽ được các bên hoàn tất. Như vậy, sau 2 năm nghiên cứu, khảo sát, cuối cùng các hợp đồng DPPA cũng đã cơ bản được các bên liên quan xác lập và chuẩn hóa để có thể triển khai thí điểm trên thực tế.
Trên 80 dự án nhà máy điện mặt trời đã sẵn sàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với EVN |
Thị trường sẵn sàng thí điểm
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu sử dụng điện của hơn 2.400 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, USAID cho biết, hiện tổ chức này đã lọc ra được khoảng 200 doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện năng lớn và sẵn sàng đăng ký mua điện trực tiếp từ các dự án điện tái tạo do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư.
Ông Lê Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Phát triển thị trường điện thuộc Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong giai đoạn thí điểm hợp đồng mua bán điện cạnh tranh, ngành điện lực dự kiến sẽ triển khai cho khoảng 114 công ty thuộc các tập đoàn lớn trên thế giới như: Heineken, Nike, H&M, Unilever... tham gia vào các hợp đồng DPPA. Trên cơ sở các mô hình thí điểm thành công, trong các năm 2021-2022, ngành điện sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng khách hàng mua điện đối với cả các doanh nghiệp lớn trong nước hoạt động ở các lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Theo ông Đức, đến cuối tháng 5/2019, cả nước đã có khoảng 50 nhà máy điện mặt trời được vận hành với tổng công suất lắp đặt là gần 2.500 MW. Trong tháng 6 sẽ có khoảng 30 nhà máy điện mặt trời khác được khánh thành và bắt đầu phát điện. Như vậy, chỉ tính riêng điện mặt trời, các tháng cuối năm sẽ có khoảng 3.800 MW điện được vận hành thương mại.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ giai đoạn thí điểm các mô hình DPPA, ngành điện dự kiến tạm thời chỉ sử dụng khoảng 200-400 MW từ các dự án điện gió, điện mặt trời. Các dự án năng lượng tái tạo có công suất từ 5-60 MWp trên cả nước sẽ được chọn lọc để tham gia vào các hợp đồng mua bán điện cạnh tranh. Sau đó, dựa trên các khảo sát thị trường, Cục Điều tiết điện lực sẽ đề xuất để mở rộng đối tượng tham gia thí điểm.
Trong khi đó, ở phía các doanh nghiệp có nhu cầu mua điện cạnh tranh, đại diện Liên minh Mua năng lượng tái tạo Việt Nam (REBA) cho hay, hiện tại có khoảng hơn 100 doanh nghiệp lớn trong nước bày tỏ mong muốn được tham gia mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo. Riêng thành viên của Liên minh này, hiện đã có khoảng 30 doanh nghiệp lớn hoàn tất các điều kiện, thủ tục để sẵn sàng tham gia vào mô hình DPPA ngay sau khi Bộ Công thương “nhấn nút” cho thí điểm các mô hình mua điện từ các dự án điện gió, điện mặt trời.
Còn nhiều nút thắt phải tháo gỡ
Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia ngành điện trong nước và quốc tế vẫn tỏ ra khá hoài nghi về khả năng mở rộng các mô hình DPPA sau giai đoạn thí điểm.
Từ phía nhà đầu tư tham vấn, ông Gavin Smith, Giám đốc Phát triển năng lượng sạch (thuộc Quỹ Dragon Capital) cho rằng, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá phí để truyền tải điện từ các dự án lên mạng lưới điện quốc gia được tính đồng nhất là 1,7 cent/kWh (tương đương 305 đồng/kWh). Mức này có thể là quá cao đối với các nhà sản xuất điện tái tạo và có vẻ chưa công bằng bởi tất cả dự án đấu nối điện sẽ phải tính cả phí truyền tải liên miền trong khi có những dự án chỉ sử dụng đường truyền tải trong một khu vực nhất định.
Việc mẫu hợp đồng DPPA đưa ra thời hạn 10-15 năm cũng là chưa phù hợp với diễn biến trên thực tế. Bởi các dự án điện tham gia DPPA không biết được mức phí truyền tải điện sẽ được ngành điện cố định trong thời gian bao nhiêu lâu. Nếu mức phí biến động tăng, rất có thể các dự án điện tái tạo sẽ khó cân đối chi phí giá vốn. Trong khi đó, các bên mua điện hiện nay cũng không có thông tin về biến động giá điện bán lẻ của EVN trong một thời gian dài 10-15 năm. Từ đó, sẽ rất khó lựa chọn cân nhắc có nên mua điện theo hợp đồng DPPA hay tiếp tục mua theo hợp đồng cung cấp điện hiện tại của EVN.
Ở góc độ thuế và phí, luật sư Nguyễn Thanh Hải (Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam) cho rằng mặc dù EVN đã đề xuất nâng mức miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án tham gia thí điểm mô hình DPPA có công suất dưới 1 MW, tuy nhiên các ưu đãi về thuế vẫn chưa được đề cập.
Theo đó, Bộ Tài chính hiện vẫn chưa đưa ra được các hướng dẫn cụ thể để triển khai cơ chế bù trừ điện năng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Vì vậy, trên thực tế vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện được khâu thanh toán tiền điện dư cho người dân bán điện vào mạng lưới điện quốc gia.
Hiện nay, nếu thực hiện thí điểm các hợp đồng DPPA thì EVN cần phải tham vấn Bộ Tài chính về vấn đề thuế đối với các dự án điện tái tạo. Vì nếu chưa có sự rõ ràng, cụ thể về các vấn đề liên quan đến thuế phí thì chắc chắn ngay sau khi đấu nối mạng lưới điện, hàng loạt các vướng mắc sẽ xuất hiện, thậm chí gây ngưng trệ cho lộ trình tạo dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Đến 2023 hoàn thiện thị trường mua bán điện Bộ Công thương cho biết, để phát triển thị trường điện toàn diện, hiện bộ này đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường mua bán điện cạnh tranh, trong đó cho phép nguồn năng lượng tái tạo được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện. Thông tư này dự kiến được áp dụng từ đầu tháng 1/2019. Dự kiến khi thông tư trên có hiệu lực, thị trường bán buôn điện sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2021. Tại thời điểm đó, những khách hàng lớn như các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp cũng như 5 tổng công ty điện lực có thể ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị phát điện của nhà nước và tư nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Từ năm 2023, tất cả các nguồn phát điện và các công ty phân phối sẽ cạnh tranh để cung cấp cho khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình. |
Thạch Bình