Giày da xuất khẩu có cơ hội mới | |
Da giày Việt chật vật ở thị trường nội |
Theo thống kê, Việt Nam đã là đối tác chiến lược của nhiều thương hiệu giày da danh tiếng thế giới. Số lượng giày xuất khẩu từ Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chiếm 7,4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Sản phẩm của các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Nike, Adiad, The North Face, Timberland, Columbia… đều do các DN tại Việt Nam sản xuất.
Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới |
Hiện, Việt Nam có hơn 700 nhà sản xuất, 1,5 triệu công nhân tham gia vào lĩnh vực giày dép, hơn 200 DN nước ngoài đóng góp 70% vào doanh số xuất khẩu giày dép. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực này với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD năm 2011, tăng lên 13 tỷ USD trong vòng 6 năm qua và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm 2018.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng đã tăng nhanh. Tuy nhiên, hạn chế về năng suất liên quan đến trang thiết bị của các DN Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục sớm. Tuy thế, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP đã góp phần mang lại sự hỗ trợ lớn cho ngành da giày Việt Nam.
Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã sẵn sàng và cũng sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho ngành này. Ngoài ra, cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đang tạo những cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu tốt hơn, hình thành dây chuyền cung ứng mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh tại các thị trường chính như Mỹ, Eu, Nhật Bản.
Trước năm 2010, ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ở mức 17%, 20% thậm chí có năm đạt 21%. Tuy nhiên, sau đó, chỉ xoay quanh con số 10-12%. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP.HCM (SLA) cho biết, nguyên nhân là do khâu cung ứng nguyên phụ liệu còn kém. “Khúc mắc lớn nhất của ngành da giày là nguyên phụ liệu, cho nên muốn tăng trưởng tốt đòi hỏi phải xây dựng nguồn cung đảm bảo”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, tại một số KCN, có những DN thuộc các ngành nghề nhạy cảm như da giày, xi mạ, dệt nhuộm chưa đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải thậm chí có một số DN không đầu tư. Chính vì vậy, các địa phương rất ngại và từ chối khi DN đầu tư sản xuất vào các ngành nghề này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều KCN ở các tỉnh, thành đã có khu vực riêng để tập trung các DN trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất da giày từ Trung Quốc sang các nước. Và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các DN.
Bên cạnh đó, “Sự dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam là điều đương nhiên sau chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Điều này cũng khiến sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam qua thị trường Mỹ tăng lên nhưng nếu có sự gia tăng xuất khẩu đột biến thì Mỹ sẽ xem xét và khả năng áp thuế chống bán phá giá”, ông Khánh chia sẻ.
Ngọc Hậu