Cơ hội phát triển nguồn nhân lực sáng tạo

08:56 | 16/02/2017

Nếu chỉ dựa vào lao động kỹ năng giản đơn, Việt Nam sẽ không thể bắt kịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hà Nội: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV giai đoạn 2016-2020
Tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển với tốc độ bùng nổ, không có tiền lệ lịch sử và sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt ở tất cả các cấp độ, từ phạm vi toàn cầu đến khu vực, quốc gia và từng tổ chức, cá nhân. CMCN 4.0 dự báo cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngành sản xuất, cộng đồng DN và vấn đề giải quyết công ăn việc làm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao:

Hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận về tác động của CMCN 4.0 đến vấn đề việc làm và hướng phát triển nguồn nhân lực. Có những dự báo cho thấy CMCN 4.0 trong trung và dài hạn sẽ tác động trực tiếp và nhiều nhất đến các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp do dần được thay thế bởi tự động hóa.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo khoảng 56% việc làm ở Đông Nam Á có khả năng bị thay thế bởi công nghệ trong hai thập kỷ tới.

co hoi phat trien nguon nhan luc sang tao
CMCN 4.0 đặt ra nhu cầu cao về lao động có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tác động của công nghệ đến việc làm sẽ không lớn như dự đoán. Theo OECD, chỉ khoảng 9% việc làm ở các nước OECD có thể được tự động hóa, 30% việc làm đòi hỏi kỹ năng mới. Thất nghiệp có thể sẽ tăng ở mức độ nào đó do lao động con người bị thay thế bằng robot, tự động hóa ở một số ngành sản xuất giản đơn nhưng về tổng thể và lâu dài thì ít khả năng xảy ra thất nghiệp trên diện rộng.

Rủi ro mất việc từ tiến bộ công nghệ có giới hạn nhất định vì việc ứng dụng công nghệ mới là một quá trình. Bên cạnh đó, bản thân người lao động có khả năng điều chỉnh khi thay đổi công nghệ diễn ra. Và việc làm cũ có thể mất đi nhưng công nghệ mới sẽ tạo ra việc làm mới.

Như vậy, CMCN 4.0 đặt ra nhu cầu cao về lao động có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ, hay nói cách khác cần “tài năng” nhiều hơn là “kỹ năng”. Lao động kỹ năng thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi đó là điều cảnh báo với Việt Nam: đang có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, song chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, năng suất lao động cách xa so với khu vực và thế giới.

Cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, nhiều ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động giản đơn trong trung và dài hạn sẽ chịu nhiều rủi ro bị thu hẹp. Nếu chỉ dựa vào lao động kỹ năng giản đơn, Việt Nam sẽ không thể bắt kịp với CMCN 4.0. Đây vừa là sức ép lớn, song cũng vừa là cơ hội để quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, cũng như có năng lực sáng tạo công nghệ. Đây chính là một yếu tố then chốt đối với phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam:

Vấn đề nguồn nhân lực và công nghệ cao là thách thức đầu tiên và rất lớn. Đa số DNNVV đang sử dụng công nghệ từ những năm 1980, 52% số DN sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN bình quân chiếm khoảng 0,3% doanh thu (trong khi tại Ấn Độ, tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%).

Với DNNVV còn tồn tại nhiều vấn đề khác như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các DN trong nước và nước ngoài còn ở mức độ thấp…

Để cộng đồng DNNVV bước vào cuộc CMCN 4.0 một cách tự tin và thành công thì ngay từ bây giờ, bằng cách nhanh nhất có thể, phải khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm như: Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DNNVV để phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực; Hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN hiện đại...; Thiết lập hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu luôn cập nhật đầy đủ và đảm bảo luôn được công bố công khai về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế hay về thông tin chỉ dẫn kinh doanh, tín dụng…

Và quan trọng hơn nữa, cộng đồng DN và nhân dân rất cần một bộ máy quản lý Nhà nước hoạt động “năng động” hơn.

co hoi phat trien nguon nhan luc sang tao
4 cuộc CMCN trong lịch sử: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo

TS. Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May:

Về mặt tích cực, CMCN 4.0 tạo cơ hội thay thế các công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, công việc độc hại… bằng máy móc công nghệ mới. CMCN 4.0 cũng giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng và tái cơ cấu lại ngành dệt may của Việt Nam.

Việc áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà CMCN 4.0 mang lại sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Trong khi đó, nguy cơ đưa sản xuất về lại nước nhập khẩu tạo ra sức ép để tập trung vào khai thác và phục vụ thị trường nội địa trên 90 triệu dân với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam.

Một trong những mặt trái của CMCN 4.0 đối với ngành dệt may là làm gia tăng nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là lao động trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc. Song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất khác nhau cũng khác nhau.

Trong một thập niên tới có thể dự báo: Sản xuất xơ, sợi hóa học có khả năng thay thế cao bằng tự động hóa (khoảng 40-50%); Các công đoạn sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, nhuộm, hoàn tất thì khả năng thay thế lao động con người bằng máy móc khá cao (30 - 40%). Nhưng với công đoạn may thì khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp (<30%), do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu, vùng miền.

Mặt trái khác là nguy cơ đối mặt với sản xuất dệt may sẽ được chuyển dần quay lại các nước, như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc - những thị trường chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Và cũng có thể tạo ra sự chênh lệch lớn về trình độ và thu nhập của người lao động trong DN, trong ngành và giữa các ngành nghề với nhau.

Như vậy DN cần nhận thức đúng, tìm hiểu sâu về CMCN 4.0 và tác động đến các công đoạn việc trong dây chuyền sản xuất của DN có thể tự động hóa để vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.

Về mặt vĩ mô, thực hiện Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện SXKD thông thoáng để DN phát huy hiệu quả năng lực sản xuất hiện có và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định, tăng cường ứng dụng CNTT, đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính giúp DN tăng năng lực cạnh tranh, tích lũy nguồn lực đầu tư công nghệ mới theo xu hướng của CMCN 4.0.

Cần dự báo cụ thể khả năng phát triển ngành dệt may Việt Nam và mức độ mất việc làm của người lao động trong thời gian tới để xây dựng kế hoạch sử dụng lao động có thể bị thay thế chuyển sang các ngành Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, CNTT.

Từ đó có sự chuẩn bị nguồn lực để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn. Cần tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ và chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều