Có thể thành lập quỹ riêng để hỗ trợ các dự án PPP

15:37 | 12/04/2019

Các vấn đề về bảo lãnh và nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được “thai nghén” và dần thành hình trong dự thảo Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì xây dựng. 

Bảo lãnh thông quan: Động lực vươn tới năng lực cạnh tranh nhóm ASEAN 3
Làm thế nào để PPP có hiệu quả

Mặc dù nội dung dự thảo thể hiện một bước tiến dài so với quy định hiện hành, trong bản cập nhật mới đây, Bộ KH&ĐT đã phải đưa ra một số phương án để tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và NĐT.

co the thanh lap quy rieng de ho tro cac du an ppp
Ảnh minh họa

Ông Tony Foster - Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, việc chuẩn bị đề xuất dự án PPP đòi hỏi nhiều chi phí và nguồn lực. Song hiện nay không có quy định rõ ràng về các nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính, khiến NĐT không mặn mà với việc chuẩn bị dự án.

Theo quy định hiện hành, phần nhà nước tham gia trong dự án PPP chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn bởi phần vốn đầu tư trong dự án PPP thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác khi ký kết hợp đồng với NĐT. Do đó, NĐT chưa thấy được sự đảm bảo từ phía Chính phủ.

Theo kinh nghiệm quốc tế, phần nhà nước tham gia thực hiện dự án được bố trí theo các hình thức khác, chẳng hạn bù đắp thiếu hụt tài chính (mô hình Canada, Mexico, Indonesia); dòng ngân sách riêng dành cho các dự án PPP (Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil).

Đặt trong bối cảnh của Việt Nam, cơ quan soạn thảo luật cho rằng cơ chế quỹ là cơ chế linh hoạt có thể khắc phục được các hạn chế. Vì vậy trong quá trình soạn thảo luật, có thể xem xét phương án thành lập Quỹ phát triển các dự án PPP do Bộ Tài chính quản lý. Quỹ này có chức năng hỗ trợ dự án PPP trong tất cả các giai đoạn (chuẩn bị đầu tư; hỗ trợ phần nhà nước tham gia trong dự án; bảo lãnh Chính phủ và các nghĩa vụ khác của nhà nước) và được phép huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, NĐT hoàn trả khi ký kết hợp đồng thành công, tiền bán, nhượng quyền khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng, tiền bán tài sản công sau khi sắp xếp lại...

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế quỹ lại đang bị vướng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần cân nhắc một phương án khác là hình thành dòng ngân sách riêng cho PPP trong kế hoạch đầu tư công. Đối với phương án này, Luật PPP cần có quy định riêng về cách thức lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (đối với nguồn vốn đầu tư công), kế hoạch tài chính – ngân sách (đối với nguồn vốn chi thường xuyên), thẩm định và phê duyệt nguồn vốn cho các dự án PPP.

Một vấn đề khác được NĐT mong đợi là các quy định về bảo lãnh Chính phủ, cũng được xây dựng với các phương án rất cụ thể, gồm cơ chế bảo lãnh đối với rủi ro về doanh thu, khả năng chuyển đổi ngoại tệ và thực hiện trách nhiệm của Chính phủ.

Dự thảo luật nêu rõ, cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu chỉ được áp dụng đối với các dự án do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, không phải tất cả các dự án này đều được cấp bảo lãnh mà căn cứ từng dự án, Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Về nguyên tắc áp dụng bảo lãnh, trong 5 năm đầu vận hành công trình dự án, nhà nước đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp. Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho phía nhà nước.

Đối với bảo lãnh ngoại tệ, đối tượng được áp dụng là các dự án do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quy định này cũng chỉ được áp dụng tuỳ từng dự án. Trường hợp tỷ giá thực tế vượt quá mức biên độ thì Chính phủ cam kết chia sẻ một phần giá trị chênh lệch do biến động tỷ giá. Lượng ngoại tệ có thể chuyển đổi tối đa từ 30 - 50% nhu cầu ngoại tệ. Đây cũng là một vấn đề khó khăn đối với cơ quan điều hành và quản lý chính sách về ngoại hối. Bởi việc cam kết bảo đảm ngoại tệ với quy mô lớn sẽ gây áp lực lớn đến an ninh tiền tệ.

Đối với vấn đề bảo lãnh vốn vay, Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan cho ý kiến đối với định hướng bổ sung đối tượng dự án PPP được cấp bảo lãnh vốn vay, sửa đổi điều kiện được cấp bảo lãnh vốn vay cho phù hợp với dự án PPP. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất, Quỹ phát triển dự án PPP sẽ có chức năng cấp các loại bảo lãnh nêu trên.

Lan Hương

Tin đọc nhiều