Xuất khẩu thủy sản: Hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD | |
Ngành tôm chuyển mình toàn diện |
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 79/QĐ- TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Đầu tiên sẽ là tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm tôm Việt Nam thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Tôm vẫn được xác định là sản phẩm chủ lực của thủy sản xuất khẩu |
Trên cơ sở đó, hình thành ngành công nghiệp tôm công nghệ cao ở các vùng sản xuất trọng điểm, tạo vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ... Trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu 2018, Vasep xem con tôm là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, để ngành đạt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD đã đề ra.
Từ năm 2018, hàng loạt rào cản kỹ thuật đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Mặt dù nhu cầu tiêu dùng thủy sản được dự báo tăng cao trong năm 2018, thì các thị trường nhập khẩu vẫn nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (truy xuất nguồn gốc và áp dụng quy trình nuôi sạch).
Trong đó, thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) đang dựng lên hàng loạt rào cản kỹ thuật (nặng nhất là thẻ vàng đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam). Thị trường nhập khẩu lớn thứ hai là Hoa Kỳ cũng bắt đầu áp dụng Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) từ ngày 1/1/2018.
Riêng mặt hàng tôm, vẫn được xác định là sản phẩm chủ lực của thủy sản xuất khẩu Việt Nam từ năm 2018. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU rất tốt, do người tiêu dùng EU ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến (tôm tẩm bột, tẩm cốm xanh, chạo tôm, bánh tôm…). Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh đang có giá cao, cung không đủ cầu nội địa.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào EU: thuế suất các loại tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm mũ ni vỏ… xuất sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại; hay thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20% hiện nay.
Thị trường Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt mặt Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt trong năm 2018. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đang có lợi thế, vì nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Thêm vào đó, với vị trí địa lý gần, vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng, thanh toán linh hoạt… thì nhu cầu nhập khẩu tôm vào Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Một thuận lợi khác của tôm xuất khẩu Việt Nam hiện nay là các nước đối thủ cạnh tranh đang khó khăn về sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể như, Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ. Và Ấn Độ vẫn đang phải chịu tần suất kiểm tra 50% các lô tôm xuất sang EU (từ năm 2016) và có nguy cơ bị EU cấm nhập khẩu do lo ngại dư lượng kháng sinh. Sản lượng tôm Thái Lan và Ấn Độ đều dự báo không tăng trong năm 2018, do dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Đây được coi là các yếu tố tăng thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Trước những cơ hội này, ngành tôm được định hướng sẽ phát triển với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất; Tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP).
Cùng với đó, việc phát triển sản xuất tôm gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi.
Đặc biệt, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao sẽ được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm (như các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau), tạo thành vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Thanh Trà