Đưa công nghệ số đến người dùng, cách nào? | |
Phổ cập tài chính: Dịch vụ thanh toán phải đi tiên phong | |
Khi công nghệ số là đòn bẩy cho tài chính toàn diện |
“Ở ta cái gì cũng có cả nhưng kết quả thì vẫn cách quá xa so với các nước. Thể chế của ta đang triệt tiêu sáng tạo và xua đuổi người tài”, đó là lời bình của TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương khi điều hành Diễn đàn DN trong nền kinh tế số.
Ảnh minh họa |
Các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số và Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh, nó đang tạo ra những giá trị mới mà các DN không thể bỏ qua. Nhưng khung pháp lý, thể chế và tư duy quản lý đã không theo kịp với sự biến đổi ngày càng nhanh, không theo kịp với tốc độ đột phá, sáng tạo của DN. Không theo kịp, lại lo ngại vấn đề trách nhiệm, một số cơ quan quản lý hoặc là đùn đẩy hoặc là “quản được đến đâu thì mở đến đó”.
Ông Dương Anh Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Vnet kể lại câu chuyện công ty muốn tổ chức cuộc thi người đẹp trên mạng Internet, Luật DN thì không cấm, nhưng quy định là phải xin phép, công ty tới Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp phép, Bộ trả lời cấp phép cho cuộc thi người đẹp là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được trả lời “Bộ không có chức năng cấp phép cho thi trên mạng internet”. Đã có nhiều câu chuyện thực cho thấy nhiều ý tưởng kinh doanh mới được phát tiết nhưng rất khó thực hiện khi cơ quan quản lý chưa theo kịp và vẫn mang tư duy quản được đến đâu thì mở đến đó đã được nêu lên tại Diễn đàn.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, công nghệ số đang dẫn dắt nền kinh tế. Từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến; Từ môi giới việc làm, kinh doanh vận tải đến bất động sản hay ngân hàng, công nghệ số đang tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Những khái niệm như E- commerce, Blockchain, Fintech, Big Data, Internet of Things (IoT)… đã không còn trở nên xa lạ đối với các DN. Với tổng dân số hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số (như FPT, DTT, Viettel...)...
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều DN Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn...), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng... Tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm 3,6%. Đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (14,5%).
Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các DN ở các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Phát triển công nghệ số sẽ giúp DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí hậu cần và giao dịch. Thông qua trao đổi trực tuyến, sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng…, người tiêu dùng thì được mua sắm toàn cầu.
Nếu tận dụng được công nghệ, DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính DN Việt Nam tạo nên. Các sản phẩm công nghệ sẽ tạo ra nhiều giá trị, giảm chi phí sản xuất, lao động nhân công. Không chỉ các công ty công nghệ mà tất cả DN tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế được số hóa. DN Việt Nam cũng được đánh giá là có đầy đủ những công cụ để có thể cạnh tranh trong khối ASEAN tích hợp kỹ thuật số và có thể gặt hái thêm nhiều lợi ích tiềm tàng nữa. “Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại còn có rất nhiều vấn đề đặt ra”, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, để tạo điều kiện cần cho DN hướng tới nền kinh tế số, hai điều kiện cần và đủ là mức độ sẵn sàng của DN và môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó quan trọng là vai trò của Nhà nước “phải làm gì để xây dựng bệ đỡ, xây dựng thể chế chắc chắn để tạo điều kiện cho các DN có thể thích ứng và phát triển”.
TS. Lộc cho biết, công nghệ số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Một số các quốc gia trong ASEAN đang có những thay đổi để theo đuổi chiến lược phát triển nền kinh tế số hóa, chẳng hạn như Thái Lan tiến hành thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông với chức năng lập kế hoạch, xúc tiến, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến một nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội; Malaysia chi khoảng 36 triệu USD nhằm đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nền kinh tế số, mà cụ thể là phát triển một hệ sinh thái thương mại điện tử.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong nước, nhất là khi ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh phi truyền thống xuất hiện và cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho DN tận dụng những cơ hội do nền kinh tế số mang lại.
Ngay bản thân trong khối các DN dịch vụ viễn thông, CNTT vẫn còn những tư duy thụ động. Chuyển đổi số không có nghĩa là mua sắm phần mềm, trang thiết bị mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học kỹ thuật. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng Trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải DN nào cũng nên ồ ạt chuyển sang 4.0. Không phải nghe đến cách mạng 4.0 hay kinh tế số mà chúng ta phải tìm mọi cách chuyển sang 4.0. Mỗi DN nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy |
Linh Ly