Doanh nghiệp Việt lạc quan trong hội nhập? | |
Hội nhập CPTPP: Doanh nghiệp Việt “nước đến mũi mới nhảy” |
Chỉ còn 1,5 tháng
CPTPP chuẩn bị có hiệu lực từ cuối năm nay. Trong đó, với 6 nước phê chuẩn đầu tiên (gồm Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Australia), hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực từ 30/12/2018. Với Việt Nam (phê chuẩn CPTPP ngày 12/11/2018 và thông báo cho New Zealand - quốc gia chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ về văn thư trong CPTPP), hiệp định sẽ có liệu lực vào ngày 14/1/2019.
Các DN cần tận dụng cơ hội từ CPTPP |
Như vậy, hiệu lực của CPTPP thực sự đã rất cận kề. Với CPTPP, điều mà mọi người lâu nay vẫn kỳ vọng là xuất khẩu của Việt Nam sẽ có dư địa tăng trưởng tốt hơn, cùng với đó là các sức ép về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh… qua đó giúp năng lực cạnh tranh của quốc gia và của cộng đồng DN. Và điểm mấu chốt để tận dụng được cơ hội từ CPTPP chính là sự chủ động của DN.
Nhưng, như một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, ngay cả với các FTA hiện có thì các DN Việt vẫn chưa tận dụng được hết. Nguyên nhân có nhiều, trong đó nổi lên là sự thiếu quan tâm và chủ động của DN. Khi thiếu sự chủ động thì việc các mặt hàng cụ thể được giảm thuế bao nhiêu % hay phải làm thế nào để được hưởng thuế suất thấp có thể bị bỏ qua.
Ví dụ muốn biết xuất khẩu một sản phẩm cụ thể như quần áo sang Canada từ 14/1/2019 có được hưởng thuế 0% hay muốn được ở mức đó phải đáp ứng những điều kiện gì thì DN sẽ phải chủ động liên hệ để hỏi. “Thực tế đoàn đàm phán của chúng tôi nhận được rất ít câu hỏi như vậy. Nhiều hội thảo tổ chức ra và muốn nhận được câu hỏi từ các DN nhưng hầu như không ai hỏi cả”, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết.
Thay đổi tư duy để thành công
“Việc DN chủ động tìm hiểu cam kết, chủ động kết nối với các cơ quan Nhà nước để tìm hiểu xem lĩnh vực hoạt động của mình chịu tác động thế nào hay làm cách nào để hưởng lợi từ CPTPP là rất quan trọng. Cùng với thay đổi tư duy của Nhà nước thì mong rằng các DN cũng cần thay đổi tư duy để thành công trong cuộc chơi nhiều cơ hội nhưng cũng rất khốc liệt này”, ông Khanh nói.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là thách thức mà CPTPP mang tới. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất với các DN da giày, đặc biệt là các DNNVV là tính chủ động trong xây dựng chiến lược và tầm nhìn đang rất hạn chế.
Các DN đang thụ động vì trong ngành này, các khách hàng thường chủ động tìm đến các DN để đặt hàng và gần như tất cả các điều kiện đưa ra là từ phía khách hàng. Chính vì thế mà tính chủ động của DN trong việc tiếp cận với các thị trường khác cũng như khi tham gia vào các hiệp định hiện đang là điểm yếu.
“Chỉ khi có chiến lược và tầm nhìn rõ ràng thì DN mới định vị được mình đang ở đâu, còn thiếu cái gì để đáp ứng và vượt lên”, bà Xuân phát biểu.
Giải pháp đặt ra là gì? Bà Xuân cho rằng về phía DN, cần một mặt nâng cao được các năng lực nội tại trong việc tiếp cận thị trường, mặt khác cần nâng cao năng lực về nguồn nhân lực hướng đến đáp ứng luật chơi quốc tế. Bên cạnh đó, phải nâng cao được quy mô để có thể tham gia vào mạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính kết nối và gìn giữ uy tín kinh doanh cũng là điều DN cần đặc biệt quan tâm khi tham gia sân chơi quốc tế, bởi nếu một DN làm sai sẽ không chỉ gây tổn hại cho chính mình mà còn ảnh hưởng uy tín cho cả cộng đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính lưu ý thêm rằng, các DN cần tránh tình trạng “tham bát, bỏ mâm”, để cho các DN nước ngoài lợi dụng tên tuổi của mình tuồn hàng hóa vào để xuất khẩu sang các thị trường như CPTPP thì không chỉ thiệt hại cho DN mà còn ảnh hưởng tới cả ngành hàng và uy tín quốc gia.
Về phía Nhà nước, trong khi việc cung cấp thông tin giúp các DN tiếp cận được các nguồn thông tin chính thống là rất cần thiết thì cũng cần ưu tiên tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistic để hỗ trợ cho xuất khẩu.
“Nếu miếng bánh thị trường xuất khẩu mở rộng ra nhưng cơ sở hạ tầng logistic của chúng ta không được cải thiện thì liệu việc tăng sản xuất, xuất khẩu có đáp ứng được không?”, bà Xuân đặt câu hỏi.
Bà nói: “Chúng tôi đang kỳ vọng xuất khẩu da giày sẽ tăng từ mức khoảng 10% hiện nay lên 20% khi tham gia CPTPP vì cơ hội đang mở ra rất lớn. Nhưng để có thể đạt được kỳ vọng thì cả phía DN và Nhà nước đều phải có những cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới”.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ DN tham gia CPTPP. Nên cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng ra các cẩm nang hướng dẫn về CPTPP cho từng mặt hàng, ngành hàng để các DN biết được cái gì cần làm, cái gì phải tránh. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng cũng như các vấn đề có liên quan như cải cách thủ tục hành chính để hoạt động kinh doanh của DN thuận lợi hơn.
Đặc biệt, cần dùng hệ thống các thương vụ đại sứ quán ở các nước để giúp DN tìm hiểu, nắm bắt các cơ hội ở các quốc gia và có hướng dẫn cụ thể cho các DN để họ có thể tiếp cận thị trường nhanh với chi phí thấp nhất.
Đỗ Lê