Cuộc đua trong thế giới di động

14:15 | 27/01/2016

Sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, máy tính bảng... đang tạo nên cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt.

Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Thế giới di động (Thegioididong), tính đến cuối năm 2015, công ty có 633 siêu thị, cửa hàng bán lẻ phục vụ khách hàng, trong đó chuỗi cửa hàng gắn với thương hiệu Thế giới di dộng chiếm phần lớn với 564 siêu thị, còn lại 69 siêu thị mang tên Đienmayxanh.

Dự kiến trong thời gian tới, công ty có kế hoạch mở rộng sự hiện diện trên khắp toàn quốc, thông qua việc đưa tổng số hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ lên con số 1.000. Người phát ngôn của Thegioididong cho biết, việc đẩy mạnh hệ thống bán lẻ cũng đi đôi với chiến lược nâng cao thị phần, tăng doanh thu của công ty.

Kết thúc năm 2015, doanh thu của Thegioididong đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Và chưa chịu dừng lại ở đó, công ty tiếp tục đặt doanh thu đạt gần 45% trong năm 2016 này với con số tương đương là 34.166 tỷ đồng.

cuoc dua trong the gioi di dong
Thời gian tới cuộc đua thị phần thiết bị di động sẽ còn tiếp tục khốc liệt hơn

Trong cuộc chạy đua tăng sự hiện diện, nâng cao thị phần ở lĩnh vực thiết bị di động, không thể không nhắc đến những cái tên khá “đình đám” như Viettel, FPT, Vienthong A. Với những hệ thống bán lẻ, mỗi hệ thống lại có hướng đi riêng.

Viettel có lợi thế đã được người tiêu dùng biết đến với tên tuổi là một nhà mạng trẻ khá năng động và có nhiều khách hàng tin tưởng nên khi mở rộng chuỗi hơn 300 cửa hàng Viettel Store chuyên về bán sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay... họ không mấy khó khăn để tiếp cận thị trường.

Hay như Vienthong A, ngoài gần 200 siêu thị bán lẻ đi chuyên sâu vào dòng sản phẩm smartphone, laptop, tablet được ủy quyền chính thức bởi Apple, mới đây công ty đã bắt tay với Lotte Mart mở rộng chuỗi cửa hàng V – Box đặt tại các trung tâm thương mại lớn để dễ dàng tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, Vienthong A vẫn tiếp tục đẩy mạnh mô hình mini store “len lỏi” đến từng con đường, góc phố đã đem lại hiệu quả to lớn cho DN này.

Tuy nhiên, không phải tập đoàn, công ty nào mới chen chân vào thị trường cạnh tranh khốc liệt này cũng có thể tìm thấy ngay chỗ đứng. Đơn cử như FPT, phải mất mấy năm đầu “trầy da, tróc vẩy”, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, sau đó FPT đã nhanh chóng tìm ra hướng đi, đó là tách mảng kinh doanh điện thoại di động, máy tính bảng và các phụ kiện đi kèm ra thành một lĩnh vực riêng.

Chính vì vậy, đến năm 2013 tập đoàn đã có trong tay khoảng 100 cửa hàng, và bắt đầu bước sang năm 2014 với sự hiện diện của 263 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành, đẩy doanh thu của FPT tăng lên 180% so với năm trước.

Và năm 2015 cũng là năm kinh doanh thành công không kém với chuỗi cửa hàng FPT Shop. “Thừa thắng xông lên”, năm 2016, công ty tiếp tục nâng tổng số cửa hàng lên con số 300 để áp sát các đối thủ.

Theo nhận định của một số chuyên gia, dự kiến thời gian tới cuộc đua thị phần thiết bị di động sẽ còn tiếp tục khốc liệt hơn nữa bởi một số đại gia có tiềm lực tài chính mạnh đang có kế hoạch nhảy vào chia sẻ miếng bánh màu mỡ này.

Song, trong những cuộc đua như thế, sẽ có người gặt hái thành công, nhưng cũng sẽ có không ít sự rủi ro, thất bại, và cả những bài học lớn cho các nhà phát triển thị trường nếu như cơ thể lớn quá nhanh mà chiếc áo thay không kịp. Tuy nhiên, như thế người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi theo đúng quy luật thị trường.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều