Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Phát huy nguồn nội lực to lớn | |
Thủ tướng chia sẻ khát vọng 'Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam' |
Ảnh minh họa |
“Với 4 nhóm giải pháp chính (đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường) được cụ thể hóa theo từng năm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua đã góp phần giúp Việt Nam giảm tỷ lệ nhập siêu, chuyển sang xuất siêu”, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết.
Từ năm 2009 đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng, khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức 19,8% của năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây, đặc biệt trong các năm 2018 đạt mức 3,54%. Trong quãng thời gian này, Việt Nam cũng giảm dần tỷ lệ nhập siêu và chuyển sang xuất siêu; trong đó năm 2018, Việt Nam xuất siêu kỷ lục 6,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua các năm có sự tăng trưởng đáng kể (từ 9,8% năm 2015 lên 10,2% năm 2018). Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao (trên 90%), tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam tăng lên rất nhanh. Số điểm bán hàng bình ổn thị trường phát triển mạnh với khoảng hơn 20.000 điểm bán, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.
Nhiều hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước được tổ chức giúp cho các DN phân phối và DN sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương tại thị trường trong nước... Nhờ đó đã giúp cho sức cạnh tranh của DN được nâng cao thông qua đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Bên cạnh kết quả đạt được, bà Nga cho biết, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, như áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các DN FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối DNNVV và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam trong bối cảnh hàng loạt các Hiệp định FTA có hiệu lực, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn; hạ tầng thương mại chưa phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ được phát triển, phân phối hàng Việt Nam, chưa thực sự là đầu ra cho các DN Việt Nam…
Để góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã triển khai một số giải pháp và cách làm mới. Theo đó, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các đề án, chương trình đi kèm, bao gồm: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020; Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg;
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg và Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; lành mạnh hóa mạng lưới phân phối; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự, kỷ luật thị trường.
Về các hoạt động kết nối cung cầu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai theo hướng chuyên nghiệp hơn, kết nối sâu hơn giữa các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam, tránh dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương, bộ, ngành... nhằm hỗ trợ DNNVV Việt Nam. Tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam để người tiêu dùng trong nước tự hào và sử dụng. Thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Hương Thủy