Cần hỗ trợ thương hiệu da giày Việt | |
Ngành da giày “chuyển mình” nắm thời cơ | |
Xuất khẩu da giày giữ vững tốc độ tăng trưởng |
Cơ hội rộng mở
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày dệt may 2019 vừa diễn ra hôm 20/3 tại TP.HCM, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Tuy nhiên, xét về dài hạn từ nay đến năm 2025, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh tốt cả về chi phí lao động, thu nhập trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu.
Sở dĩ như vậy là do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng cơ hội từ CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 31/12/2018 và EVFTA dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.
Mặt khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ thúc đẩy làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động xấu từ cuộc chiến thương mại này. Trong khi Việt Nam, với nhiều lợi thế, được dự báo sẽ là một điểm đến được ưa thích.
Theo các chuyên gia, CPTPP và EVFTA có thể đem lại những cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam phát triển, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn, tăng năng suất và duy trì thị phần ở Mỹ, EU và Nhật. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu FTA Việt Nam-EU được thông qua trong năm nay, và việc tiếp cận thị trường Mỹ tốt hơn, mức tăng trưởng xuất khẩu giày da của Việt Nam sẽ đạt khoảng 15% và kim ngạch xuất khẩu sẽ là trên 22 tỷ USD. Trong đó, giày mũi vải, có chất liệu vải tăng trưởng mạnh nhất.
Tận dụng thế nào?
Mặc dù được dự báo sẽ là điểm đến trong làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế thay vì chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam thì họ lại đang chuyển sang Indonesia. Đó là vấn đề mà theo giới chuyên môn, các DN cần phải hết sức lưu tâm.
“DN Việt cần phải nắm rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, lợi thế 55% dân số trong độ tuổi lao động, luật đầu tư nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng cởi mở hơn… để làm việc với đối tác, tìm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Đáng tiếc là việc nắm bắt xu hướng chuyển dịch của sản xuất, thị trường, nắm và vận dụng hiệp định thương mại, chính sách hỗ trợ của nhà nước lại đang là điểm yếu của DN Việt”, một chuyên gia khuyến nghị.
Trong khi theo ông Diệp Thành Kiệt, mặc dù các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho các DN da giày, tuy nhiên không phải DN nào cũng tận dụng được những cơ hội này. Trong khi đó, các Hiệp định này cũng đặt ra trước các DN da giày không ít khó khăn thách thức.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), so với các FTA Việt Nam đã ký và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC; danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể…
Trong khi hiện mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày Việt còn thấp, năng suất lao động chỉ bằng 60-70% so với DN FDI. Nhiều DN trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu do phần lớn chỉ làm gia công, chỉ 30% DN thực hiện FOB, rất ít DN trong nước có trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm, lại thường không tự chủ được nguyên liệu - thiết kế mẫu, chi phí lao động ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, các DN trong ngành còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài như việc bảo hộ thương mại từ các quốc gia ngày càng tăng cao.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, các DN trong ngành cần tăng tỷ trọng xuất khẩu bằng mở rộng thị trường, sử dụng công nghệ mới, nguyên liệu thân thiện môi trường để có thể mở rộng thị phần ở các thị trường khó tính… Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, để khắc phục điểm yếu, nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải 70% từ bản thân DN, 20% từ chính sách, 10% từ tác động của các tổ chức đại diện, như là hiệp hội...
Minh Lâm